Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa - Một số sai lầm
(Baonghean) - Trong sản xuất lúa vụ xuân, bệnh đạo ôn là một trong những dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại lớn trên nhiều giống lúa với quy mô rộng ở các địa phương. Tuy nhiên, trong cách phòng trừ bệnh hại này, người nông dân thường hay gặp phải một số sai lầm.
Sai lầm thứ nhất: Gieo cấy quá dày, đặc biệt là diện tích gieo sạ. Do sợ lúa bị chết rét đầu vụ, nông dân đã tăng lượng giống gieo sạ từ 25-30% so với lượng giống quy định trên diện tích hoặc cấy nhiều dảnh/khóm, với mật độ từ 48-52 khóm/m2, làm tăng mật độ quần thể ruộng lúa. Bên cạnh đó, việc bón phân không cân đối, bón thừa đạm, thiếu kali làm tăng thêm điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh. Nông dân đã không nghĩ đến tác hại kép của bệnh đạo ôn; khi lúa đã bị đạo ôn gây hại cháy lá ở thời kỳ đẻ nhánh, sẽ tiềm ẩn phát sinh gây hại cổ bông.
Sai lầm thứ hai: Phòng trừ đạo ôn quá muộn; thường khi bệnh phát sinh khá phổ biến mới phun thuốc. Cách tốt nhất là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khi thấy vết bệnh như vết dầu loang là tiến hành phun phòng trừ ngay. Đặc biệt, các giống lúa gạo chất lượng cao cần phải chủ động phun phòng sớm.
Nông dân xóm 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) bón vôi phòng trừ sâu bệnh cho lúa
vụ xuân 2013. Ảnh: Hồ Các
Sai lầm thứ ba: Sử dụng thuốc không tuân theo nguyên tắc “4 đúng” và đặc biệt là sử dụng thuốc không đặc hiệu, có hàm lượng hoạt chất (Tricyclazole và Propiconazole) quá thấp. Người nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào người bán thuốc, bán loại nào thì mua loại ấy. Một số đại lý vì lợi nhuận đã bán thuốc không đảm bảo chất lượng. Nông dân không dùng thuốc đặc hiệu, mà chỉ dùng thuốc rẻ tiền.
Sai lầm thứ tư: Phun kèm với phân bón kích thích sinh trưởng, hoặc một số ruộng lúa ngả màu vàng bón thêm đạm cho lúa trong lúc bệnh đạo ôn đang phát triển. Đây là điều lợi bất cập hại. Dịch bệnh tiếp tục lây lan ra diện rộng.
Sai lầm thứ năm: Thấy ruộng kề bên bị bệnh, trong khi ruộng nhà mình chưa bị, nhưng lúa quá tốt nên cắt bớt lá. Hành động này đã tạo vết thương cơ giới cho mầm bệnh lây lan nhanh làm giảm diện tích lá, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Cách tốt nhất là phải tiến hành phun phòng đồng bộ đối với những giống lúa đã có dấu hiệu nhiễm bệnh trên cùng cánh đồng.
Đối với vụ xuân 2013, bệnh đạo ôn có thể phát sinh gây hại sớm ở thời kỳ lúa đẻ nhánh rộ. Bên cạnh đó, một số đối tượng khác có thể cùng phát sinh vào giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng như: rầy nâu, khô vằn…, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phòng trừ, đặc biệt chú ý những diện tích gieo cấy các giống như AC5, HT1, BC15, Khải phong 1.
Hoàng Ân (Sở NN&PTNT )