Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

29/04/2013 15:53

(Công điện số 12/CĐ-UBND – NC, ngày 25/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Trong quý I năm 2013, các cấp, các ngành đã có cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn tăng, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra còn lớn.

Nguyên nhân chủ yếu là ý thức của người tham gia giao thông còn yếu; sự vào cuộc của các ngành, các cấp, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu quyết liệt, chưa xác định đúng tầm quan trọng của công tác này để tập trung chỉ đạo; công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn thiếu về nội dung, phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp; công tác tuần tra, kiểm soát còn nhiều tồn tại, chưa huy động đồng bộ các lực lượng tham gia (lực lượng công an cấp xã tham gia còn ít, chưa phát huy hiệu quả) nên chưa khép kín địa bàn...

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, nhất là trong dịp lễ 30/4, mồng 1/5 và thực hiện nghiêm túc Công điện số 531/CĐ-TTg, ngày 16/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, loa phóng thanh ở phường, xã, khối, xóm...nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, chế tài xử lý một số hành vi vi phạm thường xẩy ra và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vấn đề còn tồn tại, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 09/01/2013 của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch số 121/KH-UBND-NC, ngày 29/3/2013 của UBND tỉnh quán triệt đến tận các xã, phường, thị trấn, khối, xóm, thôn, bản và cho toàn thể nhân dân nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và cách làm ở cơ sở. Trên cơ sở đó, phối hợp với các lực lượng, các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để duy trì trật tự an toàn giao thông một cách bền vững.

- Tập trung quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho các hoạt động vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là tại các bãi biển, khu du lịch, lòng hồ thủy điện, bến đò.

- Chỉ đạo lực lượng công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với các lực lượng khác để kiểm soát trật tự an toàn giao thông tại xã, phường, thị trấn theo quy định.

Thường xuyên tổ chức các lực lượng phối hợp giải tỏa các tụ điểm phức tạp, lấn chiếm hành lang, vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, họp chợ... gây ùn tắc, cản trở giao thông; đảm bảo đường thông, hè thoáng, không để tai nạn giao thông xảy ra do ùn tắc giao thông. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã, khối xóm và trưởng công an cấp xã để quản lý chống tình trạng tái lấn chiếm.

- Giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn trong chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc giải tỏa hành lang giao thông, vỉa hè đô thị; giám sát hoạt động chở khách ở các bến đò, các điểm du lịch để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

2. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, huyện và các cơ quan báo chí trên địa bàn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông đảm bảo đúng quy định; tập trung xây dựng các phóng sự, bài viết, tiểu phẩm... nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và hướng dẫn kỹ năng, cách ứng xử các tình huống khi tham gia giao thông.

3. Sở Giao thông -Vận tải:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông, vận tải trên địa bàn; thực hiện tốt chức năng thường trực, kịp thời nắm, theo dõi, giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, rà soát những tồn tại, các vấn đề nổi cộm để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông để có biện pháp cảnh báo hoặc khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tăng cường kiểm tra công tác duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo đi lại thông suốt, an toàn, thuận lợi.

- Tăng cường công tác quản lý vận tải khách, yêu cầu các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch huy động thêm phương tiện vận chuyển khách, cam kết chỉ đưa phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để chở khách đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi và an toàn cho nhân dân, đồng thời giáo dục người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là vận tải khách đường bộ, đường thủy. Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm đối với phương tiện chở khách không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định, xe quá tải, không đủ thiết bị cứu sinh...

4. Công an tỉnh:

- Tổ chức đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, tập trung các địa bàn, tuyến trọng điểm cần chú trọng về an toàn giao thông.

- Tiếp tục duy trì và mở rộng các tổ công tác đặc biệt đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm.

- Chỉ đạo công an các huyện, thành, thị và công an cấp xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là dịp học sinh, sinh viên về nghỉ lễ, có đông du khách đến tham quan, du lịch... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định tránh vượt sai quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, xe quá tải; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật để chở khách du lịch... Trọng điểm là các tuyến Quốc lộ: QL1, QL7, QL48, QL46 và một số điểm du lịch tập trung trên địa bàn.

- Xây dựng các phương án tổ chức, điều tiết giao thông để tránh ùn tắc giao thông, xử lý kịp thời khi xẩy ra ùn tắc giao thông, tập trung các địa bàn trọng điểm, tuyến có lưu lượng người tham gia giao thông cao...

- Phối hợp với thanh tra giao thông huy động bổ sung lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự ứng trực trên các tuyến đường huyết mạch, địa bàn trọng điểm, phức tạp có nguy cơ gây ùn tắc cao, xây dựng các phương án, biện pháp để giải quyết kịp thời khi xẩy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

6. Giao Thường trực Ban an toàn giao thông chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện Công điện này. Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chính phủ theo quy định.

Nhận được Công điện này, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao và báo cáo về UBND tỉnh (qua Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.

KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch: Huỳnh Thanh Điền