Tháp Việt kiều lưu niệm ở Thái Lan

25/04/2013 14:45

(Baonghean) - Nakhon Phanom là tỉnh thuộc Đông Bắc Thái Lan, tiếp giáp với Thị xã Thà Khẹc của nước bạn Lào, từ xưa đến nay, đây được xem là cửa ngõ của Thái Lan đối với các nước Đông Dương. Tháng 7/1928, với bí danh là Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Nakhon Phanom, mở các lớp huấn luyện và giác ngộ thanh niên Việt kiều yêu nước. Người căn dặn bà con Việt kiều dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn hướng về quê hương, đất nước.

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, một số lượng rất lớn người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã qua Thái Lan làm ăn, sinh sống, tập trung nhiều ở Thị xã Thà Khẹc. Tháng 3/1946, do thực dân Pháp khủng bố, các Việt kiều ở Thà Khẹc đã di tản sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, trong đó nhiều nhất là tỉnh Nakhon Phanom. Tại đây, bà con người Việt mới đã hòa nhập với những người Việt sang đó từ hàng chục năm trước, cùng nhau làm ăn, sinh sống. Cũng từ đây, các phong trào yêu nước của người Việt ở Nakhon Phanom phát triển mạnh; dù làm ăn ở nước ngoài nhưng bà con Việt kiều luôn hướng về quê nhà, nơi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom trở thành nơi tập hợp, cố kết những người Việt tha hương với nhau, không chỉ giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn mà còn là đầu mối, liên lạc với các ủy ban kháng chiến ở quê nhà.



Tháp Việt kiều lưu niệm nằm ở trung tâm của con đường sầm uất ven sông Mekong.

Năm 1960, đáp lại bức tâm thư của Bác Hồ kêu gọi kiều bào ở Thái Lan hồi hương xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, người Việt ở Thái Lan nói chung và bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom nói riêng háo hức đăng ký trở về. Trước khi trở về, để ghi nhớ công ơn của đất nước và con người Thái Lan đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn, hoạn nạn và để thế hệ sau hiểu được lịch sử của cha ông mình, những người Việt có trách nhiệm đã cùng nhau quyên góp tiền, xây dựng công trình Tháp đồng hồ lưu niệm ở trung tâm tỉnh Nakhon Phanom, cạnh bờ sông Mekong.

Ý tưởng đó được tất cả người Việt hồi hương hưởng ứng. Ngay trong năm đó, cột tháp đồng hồ cao 50 mét được xây dựng một cách hoành tráng trên con đường xinh đẹp cạnh bờ sông. Phía trên 4 mặt tháp được gắn đồng hồ, phần mái được thiết kế theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phía sau cột tháp là một ngôi nhà nhỏ, nơi lưu giữ những dấu tích, tranh ảnh của người Việt. Ở trung tâm của cột tháp ghi dòng chữ “Tháp Việt kiều lưu niệm dịp hồi hương”. Vì nhiều lý do khác nhau, đợt hồi hương của người Việt ở Thái Lan những năm 1960 bị dừng lại, bà con Việt kiều tiếp tục làm ăn, sinh sống và từ đây, tháp đồng hồ bên sông Mekong trở thành biểu tượng của cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom nói riêng và toàn Thái Lan nói chung.

Hiện nay, cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom có khoảng gần 2 vạn người, trở thành cộng đồng ngoại kiều đông đảo nhất ở tỉnh Đông Bắc Thái Lan này và có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này. Tháp Việt kiều lưu niệm cũng được chính quyền sở tại hết sức trân trọng, gìn giữ và bảo vệ.

Ngày nay, ở Nakhon Phanom có rất nhiều di tích liên quan đến người Việt như nhà Bác Hồ ở Bản Mạy, Làng hữu nghị Việt Thái tỉnh Nakhon Phanom, nghĩa trang chung của người Việt,… nhưng mỗi khi du khách đến với Nakhon Phanom xinh đẹp, hầu như ai cũng phải một lần đến thăm tháp Việt kiều lưu niệm. Qua thời gian, cột tháp vẫn sừng sững, hiên ngang bên dòng Mekong uốn lượn và trở thành một trong những biểu tượng đẹp về sự giao lưu văn hóa Thái - Việt.


Bải, ảnh: Nguyên Khoa