Về chiều sâu văn hóa làng nghề

15/04/2013 21:06

(Baonghean) - Làng nghề và nghề có vai trò đặc biệt quan trọng ở nông thôn. Thời gian vừa qua, tỉnh ta đã xây dựng được nhiều làng nghề tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Nhưng việc giữ được làng nghề vẫn là nỗi trăn trở…

Làng nghề có chức năng sản xuất và tạo ra sản phẩm, không khác mô hình “nhà máy” bởi có ra, có vào, có công nghệ, có qui trình, có quản lý. Chỉ khác ở khâu tổ chức kém chặt chẽ hơn. Làng nghề muốn tồn tại được thì cũng phải bán chạy hàng, phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Nếu như nhà máy sản xuất ra “cái mình có” thì làng nghề sản xuất ra “ cái người ta cần”. Vì thế, càng cần phải trau nghề, giữ nghề và đa năng, nhất là làng nghề đang “làm ăn” với các bạn hàng quốc tế. Nhìn lại nhiều làng nghề ở tỉnh ta, làng nghề “ tinh” vẫn còn ít, số lượng nhiều nhưng thương hiệu chưa đậm dấu ấn.

Đến nay, Nghệ An có tới 119 làng nghề được công nhận, trong đó làng nghề mây tre đan có 43 làng, chế biến nông sản thực phẩm có 19 làng, làng nghề chiếu cói, chổi đót, giấy dó 10 làng, làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ có 14 làng, chế biến hải sản có 10 làng, dâu tằm tơ, móc sợi có 7 làng, chẻ chu hương có 9 làng, sản xuất gạch ngói 1 làng, cơ khí có 1 làng, nghề trồng cây cảnh có 5 làng. Cứ theo tên gọi trên thì có thể thấy: làng nghề ở Nghệ An đang được biết đến với tính chất ngành nghề chứ chưa được nhớ đến bằng thương hiệu, chưa có tên tuổi. Ngoại trừ ít làng mây tre đan có tên tuổi như Nghi Phong, Nghi Thái, làng ngói Cừa, hương trầm Quỳ Châu, tương Nam Đàn… thì nếu hỏi du khách hay hỏi nhiều người Nghệ, họ ít biết đến huyện mình, thành phố mình có làng nghề. Điều này trước hết địa phương, người trong làng nghề chưa biết quảng bá tên làng nghề cũng như xem ra không coi trọng tên gọi của nó.

Về làng bún bánh Huỳnh Dương - Diễn Quảng, nơi có 248 hộ sản xuất bún, bánh, hỏi cả bí thư lẫn xóm trưởng vì sao làng có tên gọi là Huỳnh Dương, cả hai người đều không trả lời được. Làng chế biến nước mắm Phú Lợi - Quỳnh Dị mỗi năm sản xuất 2 triệu lít nước mắm nhưng người ta chỉ biết đến Quỳnh Dị mà không biết nhiều về Phú Lợi. Làng nghề bánh đa Hồng Yên – Trường Tiến ở đâu chắc ít người biết, trong khi hai làng này đang tạo việc làm ổn định cả năm cho trên 400 hộ ở Diễn Ngọc - Diễn Châu. Và thương hiệu “bánh đa Đô Lương” vẫn được nhớ đến nhiều hơn.

Người làm nghề cần nghề như cần một việc làm nhiều hơn là “sống chết với nghề”. Tôi được biết ở Hà Nội có phố Hàng Bạc tập trung những nghệ nhân làm đồ trang sức chủ yếu bằng thủ công. Có khi họ làm một chiếc nhẫn bạc hết mấy ngày liền dù giá chưa đầy 100 ngàn đồng. Giữ tín, truyền nghề, sống chết với nghề là đặc điểm ở nhiều làng nghề cổ truyền. Ở đó không chỉ có kinh tế, có lợi nhuận mà còn là bản sắc văn hóa. Điều đó còn là “của hiếm” ở Nghệ An khi sản phẩm của nhiều làng nghề còn mang tính chất hàng loạt, theo khuôn mẫu, có tính sử dụng, ít giá trị văn hóa. Những làng nghề ở Nghệ An tồn tại và phát triển phần lớn là những làng nghề có sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng về tính năng sử dụng: ngói, bánh cốm, bánh đa, chổi đốt, nước mắm, chiếu cói… Còn về chiều sâu văn hóa, tính thẩm mỹ, tính tinh xảo, nét tài hoa… ở làng nghề xứ Nghệ chưa nhiều.

Chính vì vậy, khi sóng gió, khi mất thời, khi thua lỗ, làng nghề nhanh chóng lụi tàn, mai một. Đó cũng là lý do hiện nay một số làng nghề dù đã được công nhận nhưng đã không còn sức sống, như nghề sản xuất chiếu cói ở Vinh, một số làng nghề mây tre đan trên địa bàn tỉnh... Trong khi đó, ở nhiều huyện miền núi, nhiều thôn, bản dù chưa có làng nghề nhưng sức sống của nghề dai dẳng. Đó cũng bởi nghề không chỉ là nghề, mà còn là bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, như các làng dệt thổ cẩm, rèn dao, nghề đan mâm mây…

Dẫu sao cũng phải công nhận rằng làng nghề ở tỉnh ta trong hơn một thập niên qua đã cùng “ đồng kham cộng khổ” với người lao động, vui nỗi vui của người nông dân, buồn nỗi buồn của họ. Nhưng mô hình “Mỗi làng, mỗi nghề, mỗi sản phẩm” có thực sự là cần thiết?, và hiện có khả thi? Làng nghề không thể là phong trào mà cần được trân trọng, nâng niu đắp xây bằng tình yêu làng, yêu nghề, để thăng hoa những giá trị không chỉ là vật chất.


Châu Lan