Một kiến nghị hợp tình, hợp lý

03/06/2013 18:57

(Baonghean) - Tại phiên họp Quốc hội sáng 29/5 vừa rồi, khi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ông Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Quốc hội xem xét giảm thuế suất cho cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Theo ông, trong tờ trình của Chính phủ đã đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế TNDN, được bổ sung, sửa đổi tại Khoản 2, Điều 13. Theo đó, thu nhập từ hoạt động báo in kể cả quảng cáo được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong 15 năm. Đây chính là sự quan tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động báo chí hiện nay. Tuy nhiên, trong tờ trình, Chính phủ lại không quy định áp dụng thuế ưu đãi đối với các loại hình báo chí khác như: báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu nhập ngân sách.

Vì thế, ông Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị Ban soạn thảo, Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế suất không chỉ đối với báo in mà cả đối với các loại hình báo chí khác gồm: báo nói, báo hình, báo điện tử. Và ông cũng kiến nghị sớm nâng thời gian áp dụng thuế đối với báo chí, bắt đầu từ ngày 1/7/2013 như đề xuất áp dụng với một số doanh nghiệp ưu tiên khác, thay vì áp dụng chung từ ngày 1/1/2014. Đây là một kiến nghị rất hợp tình, hợp lý vì trong thời gian qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo in bị lỗ, phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Song quảng cáo trên báo thường không nhiều, bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ và thời lượng.

Trong 2 năm trở lại đây, do nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp làm ăn sa sút, thua lỗ nhiều nên nguồn thu từ quảng cáo của báo chí bị sụt giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2012, quảng cáo của báo in giảm 8% so với 2011. Báo in hiện cũng đang lâm vào tính cảnh khó khăn như các doanh nghiệp khác do chi phí đầu vào như giấy, điện, nước, lương... liên tục tăng. Sản phẩm làm ra cũng bị “tồn kho” nhiều do các cơ quan, cá nhân cắt giảm chi phí mua báo, chuyển sang đọc báo điện tử và các phương tiện khác.

Còn nếu tăng giá bán thì sẽ khiến công tác phát hành chật vật hơn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của tờ báo vì số lượng người đọc sẽ ít đi. Những khó khăn hiện tại đã dẫn đến tình trạng không ít tờ báo phải xoay trở tìm cách cân đối thu chi, phải “vượt rào” bằng việc ra các ấn phẩm phụ theo hướng thương mại hóa, thị trường hóa. Chạy theo thị hiếu tầm thường của không ít người đọc để bán được báo, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng của một bộ phận độc giả. Vì thế, nếu được giảm thuế xuống 10% thì cũng nên xem xét, áp dụng sớm để giảm gánh nặng chi phí cho báo chí và gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng chính trị - tư tưởng của các tờ báo. Hơn nữa, việc áp dụng chính sách ưu đãi hơn đối với báo in đã từng có tiền lệ. Từ năm 2003 trở về trước, các cơ quan báo in được cấp lại phần tiền thuế TNDN thực nộp vào ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất.

Tình hình thu nhập quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình tuy khá hơn nhưng trong số 67 đài phát thanh, truyền hình, chỉ có 4 trung tâm lớn như Truyền hình Việt Nam, truyền hình TP Hồ Chí Minh, truyền hình Hà Nội và truyền hình Vĩnh Long có doanh thu quảng cáo tốt, có tiền nộp thuế TNDN. Còn trên 60 đài phát thanh, truyền hình địa phương khác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh thì vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Vì thế, đã ưu đãi cho báo in thì cũng nên bao gồm luôn cả các loại hình khác. Bởi lẽ, báo chí nói chung là sản phẩm văn hóa nên báo chí hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao. Do đó, cần áp thuế suất ở mức phù hợp để các cơ quan báo chí hoạt động tốt, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mặt khác, tính về lợi ích kinh tế thì lượng tiền thuế báo chí đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa nhiều nên có giảm thuế suất cho báo chí thì cũng không mấy ảnh hưởng tới thu nhập ngân sách. Trong khi đó, lợi ích chính trị do báo chí mang lại chắc chắn sẽ rất nhiều.

Vì thế, có thể nói, kiến nghị của ông Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam là rất hợp tình và hợp lý và nên được đáp ứng kịp thời.


Duy Hương