Kỳ cuối: Cần đảm bảo tính bền vững trong nuôi và “đầu ra” sản phẩm

05/04/2013 19:20

>Kỳ 1: Những thăng trầm nghề

Hiện nay nghề nuôi hươu ở Quỳnh Nghĩa nói riêng Quỳnh Lưu nói chung đang gặp nhiều vướng mắc; nhất là cách nhìn nhận: rằng trong ngành chăn nuôi số lượng tổng đàn trâu, bò toàn huyện xấp xỉ lượng hươu (17.000/15.000), nhưng việc chăn nuôi trâu, bò nhận được nhiều “ưu ái”; như nếu có dịch bị tiêu hủy sẽ có chính sách đền bù, dịch vụ thú y chăm sóc cho trâu, bò phát triển và trên hết, chiến lược phát triển đàn trâu, bò được hoạch định qua các kỳ đại hội, qua các nghị quyết.

Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì giá trị kinh tế mà con hươu đem lại không thua kém bất kỳ vật nuôi nào; trong lúc đó người chăn nuôi hươu không nhận được bất cứ chế độ chính sách nào, mà họ phải tự bươn chải. Cuối năm 2010, dịch bệnh hươu xẩy ra làm chết hàng ngàn con, các xã đề nghị huyện hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Mặt khác, trong chiến lược phát triển kinh tế từ huyện đến xã chưa có một dòng nào dành cho sự phát triển của con hươu, mặc dù ở một số xã hươu đã trở thành vật nuôi chính. Nhiều ý kiến nêu, phải chăng hươu chưa phải là vật nuôi chính thống?

Hiện nay, ngành Lâm nghiệp và các nhà khoa học vẫn còn chưa thống nhất hươu là động vật hoang dã hay đã được thuần hóa. Ngành Lâm nghiệp cho rằng hươu là động vật hoang dã, nên mỗi lần mua bán phải có giấy xác nhận nguồn gốc của kiểm lâm. Còn các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi thì cho rằng, hươu là vật nuôi, đã được thuần hóa. Mặc dù theo tập tính của loài thú không có túi mật là không bao giờ quen được hơi người.

Phải chăng vì những quy định này mà các cấp, các địa phương còn ngại đưa vào nghị quyết để có chiến lược phát triển?. Từ không có chiến lược phát triển, nên các định hướng ngành nghề là không có. Người chăn nuôi đang tự bươn chải để duy trì nghề. Sản lượng nhung hươu toàn huyện hiện ước khoảng 4 tấn, nhưng giá cả đều do các “đầu nậu” trên địa bàn định đoạt. Lúc có khách “ăn” hàng thì họ thu mua, lúc không có khách họ dìm giá. Người nuôi hươu không định được giá trị sản phẩm của mình.



Bảo quản nhung hươu tại hộ anh Nguyễn Văn Kế
(xóm 7, Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu)

Qua phản ánh của bà con, thì những năm 80, người nuôi hươu không phải lo đầu ra, có được bao nhiêu thì Công ty dược phẩm của huyện mua hết. Sản phẩm rượu nhung hươu của Công ty Dược phẩm Quỳnh Lưu đã có uy tín trên thị trường mua bán trong, ngoài tỉnh. Rồi cũng chính Công ty Dược phẩm Quỳnh Lưu mang sang Hàn Quốc chào hàng. Trải qua thăng trầm của con hươu, người chăn nuôi lại hoài niệm bao giờ cho đến ngày xưa để người nuôi hươu không còn bị tư thương ép giá.

Ông Vũ Ngọc Quý - cán bộ phụ trách chăn nuôi của huyện cho biết: Thời gian qua, khi nghề nuôi hươu được khôi phục cũng đã một vài tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến đầu ra cho con hươu Quỳnh Lưu.

Năm 2008, một chương trình bảo tồn đàn hươu ở Quỳnh Lưu của Đại sứ quán Pháp qua Viện Chăn nuôi, khảo sát lấy số lý lịch, treo biển cho hơn 2000 con hươu ở các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương.. nhằm bảo tồn và nghiên cứu con hươu theo hướng lấy thịt, treo biển xong rồi cũng rơi vào quên lãng. Rồi một tổ chức của Hàn Quốc vào nghiên cứu để phối hợp sản xuất nhung, nhưng do chất lượng, tập quán chăn nuôi… không có được sản phẩm theo yêu cầu nên họ cũng rút.

Gần đây nhất có doanh nhân Trương Đắc Minh - một người con Quỳnh Nghĩa thành đạt ở thủ đô trở về quê hương tổ chức tập huấn chăn nuôi hươu cho bà con và xin xã 50 ha đất để làm trang trại chăn nuôi, chế biến nhung hươu. Xã cũng đã đồng ý nhưng dự án vẫn chưa thấy triển khai.

Cho đến thời điểm này đầu ra cho con hươu ở Quỳnh Lưu vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hươu đang là vật nuôi tiềm năng, là thế mạnh của huyện. Để nghề chăn nuôi hươu ở Quỳnh Lưu phát triển một cách bền vững đã đến lúc các cấp chính quyền cần vào cuộc một cách tích cực; mà trước hết phải nhìn nhận đúng giá trị và hướng phát triển của nghề, từ đó có những chủ trương, chính sách phù hợp để thúc đẩy nghề nuôi hươu phát triển.


Công Sáng