Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

13/05/2013 15:56

(Baonghean.vn) - Thực hiện Chương trình xây dựng luật năm 2013 của Quốc hội, chiều 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đồng chí Phạm Văn Tấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Qua hơn 7 năm thực hiện, Luật đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao và đồng bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành luật của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân. Tuy vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn có nhiều hạn chế như: công tác tổ chức thực hiện nhiều khi chưa được quan tâm thực hiện nghiêm túc; một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự tự giác trong việc xây dựng các giải pháp để triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý; chưa có quy định cụ thể hành vi gây lãng phí, chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên liên tục; một số quy định của luật chưa cập nhật với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.



Các đại biểu tham gia góp ý tại Hội nghị

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được rút ngắn còn 5 chương, 76 điều, giảm 6 chương và 10 điều so với luật cũ. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật hiện hành, các góp ý về dự án Luật (sửa đổi) đã tập trung làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh một số điều về: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; sử dụng các nguồn tài nguyên; sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó, một số ý kiến đóng góp còn cho rằng cần xác định vai trò, trách nhiệm của báo chí, của ban thanh tra nhân dân trong việc phát hiện các vi phạm; tăng cường vai trò của Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và công luận của người đứng đầu trong việc để xảy ra lãng phí…

Tất cả các ý kiến trên sẽ được Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tổng hợp lại và trình lên kì họp Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/5 tới.


Tin, ảnh: Mỹ Hà