Trăn trở làng nghề mộc Tĩnh Gia

24/04/2013 15:06

(Baonghean.vn) - Đến làng nghề mộc Tĩnh gia (xã Thái Sơn, Đô Lương), chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những sản phẩm đồ gỗ gia dụng đẹp mắt với những đường hoa văn chạm trổ uốn lượn tinh xảo. Vừa được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng trăn trở của các nghệ nhân làng nghề mộc Tĩnh Gia là việc truyền dạy tay nghề đến con em các thế hệ sau.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Uy, xóm trưởng xóm 7 xã Thái Sơn giải thích: “Tên làng mộc Tĩnh Gia xuất phát từ khi làng vừa được lập, “tĩnh” ở đây được các cụ ngày xưa coi là yên tĩnh, còn “gia” nghĩa là gia giáo, gia phong, như vậy Tĩnh Gia nghĩa là ngôi làng yên tĩnh và nề nếp”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Tĩnh Gia đã thực hiện tốt phong trào sản xuất phục vụ cho chiến đấu và từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng thưởng danh hiệu đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào lao động sản xuất vào những năm 1963 – 1964. Cũng theo quá trình lịch sử phát triển của làng, nghề mộc ở Tĩnh Gia đã trở thành một trong những nghề chính, từ sản xuất những công cụ, dụng cụ sản xuất nông nghiệp đến bây giờ là tất cả các sản phẩm mộc gia dụng và mộc cao cấp khác.



Nghệ nhân trong một xưởng chạm trổ tại làng nghề mộc Tĩnh Gia

Trước những năm 1980, làng Tĩnh Gia chỉ có một tổ gồm 5 lao động thì đến nay làng đã có tổng cộng 17 xưởng sản xuất, thu hút 70 lao động thường xuyên theo nghề mộc; làng có chưa đầy 100 hộ dân thì cũng có hơn 80 hộ có nghề, trong số đó có nhiều hộ có quy mô phát triển lớn. Đơn cử như xưởng cưa và xưởng đục của anh Nguyễn Văn Toan, hằng ngày có hơn 10 lao động làm việc và trung bình mỗi ngày tạo ra từ 20 – 30 sản phẩm chạm trổ như kệ giường tủ, bàn ghế… Hay như các cơ sở sản xuất của anh Hoàng Minh Toàn, anh Nguyễn Văn Chiến… cũng là những hộ sản xuất tiêu biểu. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tổng giá trị sản xuất của làng nghề mộc Tĩnh Gia đạt 40,4 tỷ đồng, lãi 7,6 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động thu nhập gần 60 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Quang Sơn, tổ trưởng làng nghề mộc truyền thống ở Tĩnh Gia cho biết: “Ở làng, có gia đình có 4, 5 người con thì tất cả đều được truyền dạy và theo nghề mộc. Nghề mộc ở làng không còn là một nghề kinh tế nữa mà trở thành nét truyền thống văn hóa lâu đời của những thế hệ người dân ở Tĩnh Gia. Cũng không chỉ học hỏi từ các thế hệ đi trước, chúng tôi còn tiếp thu những tinh hoa từ làng nghề ở các tỉnh bạn như làng Đông Kỵ (Bắc Ninh), làng La Xuyến – Ý Yên (Nam Định)…, vì thế mà tay nghề càng được nâng cao, mẫu mã sản phẩm cũng trở nên tinh xảo hơn, đẹp hơn trước rất nhiều”. Không chỉ có thế, làng nghề mộc còn gắn kết tình cảm của gia đình, xóm giềng nhờ vào môi trường sản xuất và truyền dạy nghề, ông Sơn nói thêm.

Tháng 3 vừa qua, làng nghề mộc Tĩnh Gia đã được UBND Tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Cùng với việc được công nhận, nhiều thực tế đang đặt ra đòi hỏi làng mộc ở Tĩnh Gia phải đáp ứng được như các yêu cầu về việc thực hiện quy ước làng nghề, thực hiện an toàn lao động và môi trường lao động, không ngừng trao đổi để nâng cao tay nghề… Trong đó, một trong những yêu cầu và cũng là điều cần thiết để bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề mộc, đó là việc truyền dạy cho các thế hệ sau. Ông Uy tâm sự: “Do điều kiện phát triển, các thế hệ trẻ trong làng phần lớn đã đi học tập tại các trường chuyên nghiệp, nên việc truyền dạy về nghề cho các em là rất khó khăn. Không những thế, nguy cơ mai một làng nghề cũng xảy ra khi thế hệ trẻ không có người kế tục truyền thống”.



Làng nghề mộc Tĩnh Gia đón nhận Bằng công nhận làng nghề mộc truyền thống

“Nhưng không vì thế mà làng nghề mộc ở Tĩnh Gia mất đi những giá trị vốn có. Tuy việc truyền dạy cho các thế hệ con, cháu trong làng gặp khó khăn nhưng các xưởng vẫn nhận các nhân công là những người trẻ ở các xã khác, huyện khác về để đào tạo và truyền nghề, cũng nhờ đó mà truyền thống của làng nghề mộc ở Tĩnh Gia còn phát triển ra nhiều vùng khác, và thương hiệu mộc ở Tĩnh Gia thì vẫn không thể mất đi.”- Ông Nguyễn Quang Uy khẳng định.

Anh Nguyễn Văn Huynh, người xã Trù Sơn, hiện đang học việc tại một xưởng chạm trổ ở làng nghề mộc Tĩnh Gia nói: “Trong xã tôi có 4, 5 người hiện đang học việc tại làng nghề mộc Tĩnh Gia. Không chỉ được truyền dạy những điều cơ bản chúng tôi còn được chỉ bảo những kỹ thuật tinh xảo và độc đáo trong từng sản phẩm. Sau này nếu không đủ điều kiện mở một xưởng thì tôi cũng mong muốn được ở lại làng nghề và tiếp tục học tập các tinh hoa khác của nghề mộc”.


Bài, ảnh: Thái Anh