Để Yên Thành phát huy lợi thế đi đầu về sản xuất thử các loại giống cây, con
(Baonghean) - Hiện sản lượng lương thực hàng năm của huyện Yên Thành chiếm tới 1/5 tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh. Địa phương này cũng là lựa chọn “số 1” của nhiều tổ chức, doanh nghiệp khi tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử các giống cây, con để tìm ra những loại giống mới phù hợp và hiệu quả.
Hàng năm, trên đồng đất Yên Thành có hàng trăm loại giống được gieo trồng đại trà, trong đó có hàng chục giống sản xuất thử. Riêng vụ đông xuân vừa qua, ngoài khoảng 5 loại giống chủ lực, trên địa bàn còn có tới 40-50 loại giống được các doanh nghiệp tiến hành trồng theo diện sản xuất thử, nhằm tìm ra những loại giống phù hợp với các tiểu vùng khí hậu (đồng đất hóc chọ, sâu trũng, khô hạn.. ) để từ đó đưa ra diện rộng. Theo ông Nguyễn Trọng Hương - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện, thì Yên Thành có diện tích đất nông nghiệp rộng với trên 17.000 ha, trong đó đất lúa là 13.000 ha, còn lại là đất màu. Đồng đất Yên Thành có đặc điểm bán sơn địa, nhiều chân đất khác nhau nên thuận lợi khi đưa các giống lúa mới về trồng thử để nhân ra diện rộng.
Từ năm 2009, khi Nghệ An bắt đầu có chủ trương phát triển mạnh các giống lúa vừa cho năng suất khá, vừa có chất lượng gạo ngon khi đã đạt chỉ tiêu trên 1 triệu tấn lương thực, thì tại Yên Thành, nhiều loại giống mới cũng đã được đưa vào sản xuất thử để nhân ra diện rộng. Từ BTE1, Xuyên hương 178, Quy ưu 12.... đến giống lúa gây tranh cãi gần đây là BC15 đã được triển khai sản xuất thành công. Trong đó, nổi lên Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" của Trung tâm Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2011 - 2012, vụ xuân 2012, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An sản xuất hạt lai F1 giống LC25 tại xã Phúc Thành - huyện Yên Thành với quy mô 35 ha.
Qua kết quả sản xuất hạt lai F1 tổ hợp LC25 cho thấy có nhiều ưu điểm: Dòng bố đẻ khoẻ, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, lượng phấn nhiều; dòng mẹ có thời gian chờ phấn lâu, số hạt/bông cao; năng suất hạt lai cao, ổn định và thích nghi tốt với điều kiện sinh thái ở Nghệ An. Hiện nay, giống lúa này đã được đưa ra sản xuất đại trà đem lại năng suất, chất lượng cao. Hay như giống lúa Khang dân 18 sau khi được triển khai làm điểm ở Yên Thành, trong thời gian dài giống lúa này được triển khai đạt hiệu quả và trở thành giống lúa thuần chủ lực...
Thăm quan mô hình lúa lai ở xã Minh Thành.
Chị Võ Thị Nhung - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An chia sẻ: Đơn vị chúng tôi có 2 trạm giống khảo nghiệm ở Yên Thành. Quá trình làm ở đây chúng tôi thấy ngoài việc đất đai thuận lợi, thì địa phương có truyền thống canh tác, nông dân có tập quán sản xuất giống lâu năm; tiếp cận giống mới nhanh. Khi làm mô hình khảo nghiệm giống, từ huyện, xã đến xóm rất quan tâm và tổ chức chỉ đạo khoa học. Vụ xuân vừa rồi trung tâm triển khai 2 giống lúa là giống lúa lai Kinh sở ưu 1588 ở tại Vĩnh Thành và giống lúa khác ở Phúc Thành, kết quả rất tốt.
Từ sản xuất thử, Yên Thành đã tìm ra các giống lúa ngắn ngày (90-95 ngày) để chạy lụt hè thu như TH3-3, TH 3-4, TL 6, QR 1, QR 2, PAC 807... ; giống phù hợp vùng sản xuất thâm canh có thời gian sinh trưởng từ 100-110 ngày như Xuyên hương 178, GS 9,... hay giống chịu hạn phù hợp với đồng đất vùng cao như TH 3-3, TBR 45, TBR 36... Riêng trong vụ hè thu này, huyện đang trồng thử các giống lúa chất lượng cao như Khang dân 28, ADF 5, NAR 1… Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Sỹ Hưng cho biết: Ngoài yếu tố phân bón, thủy lợi huyện cơ bản chủ động được thì vấn đề đặt ra là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Để đạt được những thành quả quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua Yên Thành đã rất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền kết hợp với xây dựng mô hình, giúp nông dân nắm bắt những kiến thức mới để áp dụng trực tiếp vào sản xuất, giúp giảm bớt những khó khăn và rủi ro trong việc ứng dụng kỹ thuật mới. Đồng thời, tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, tổ chức tham quan những mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, các mô hình sản xuất tiên tiến, các tập thể, cá nhân làm ăn có hiệu quả... Ngoài hàng trăm giống lúa, những năm qua, nhiều loại cây trồng màu như dưa hấu, ngô ngọt, dưa bao tử, khoai lang chất lượng cao cũng được đưa vào làm mô hình trồng thử và đưa ra sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, do tư tưởng người nông dân nơi đây nhìn chung chưa nhanh nhạy, thêm vào đó giao thông đi lại không thuận tiện, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa nhiều nên dẫn tới thị trường đầu ra của nhiều loại sản phẩm gặp khó khăn. Như năm 2002, huyện đưa cây dưa hấu vào sản xuất đại trà nhưng do đầu ra khó nên sản xuất cầm chừng, vài ba ha triển khai ngày đầu đến nay vẫn không phát triển thêm; sản phẩm làm ra chủ yếu nội tiêu trên địa bàn huyện, không đủ số lượng để bán ra thị trường ngoài; trong khi đó, cũng giống dưa hấu đó, thì Nghĩa Đàn phát triển khá mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hoàng Trọng Ngọc ở xóm 5, xã Sơn Thành băn khoăn: Nhiều năm được mùa nông dân chúng tôi rất phấn khởi nhưng mừng chưa kịp đã vội lo vì giá nông sản xuống thấp, vất vả suốt vụ nhưng cuối cùng thu nhập chẳng đáng là bao. Tương tự như nông sản, hiện nay ở Sơn Thành có nhiều hộ nuôi các loại con đặc sản như hộ anh Lương Xô ở xóm 10 nuôi ếch, anh Linh ở xóm 10 nuôi nhím, hộ Sáu Liên ở xóm 3 nuôi chim trĩ... Với nhiều lợi thế như dễ nuôi, dễ bán, khi triển khai được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn giá rẻ nên đã thu hút nhiều hộ tham gia. Thế nhưng, khi phong trào đã phát triển mạnh thì lại xảy ra hiện tượng cung vượt cầu, bị tư thương ép giá, thị trường đầu ra khó khăn nên đến nay việc sản xuất cầm chừng, nhiều hộ giải nghệ.
Nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp cũng cho rằng, trước đây Yên Thành thường quan tâm phát triển sản xuất các loại giống cho năng suất cao nhằm đảm bảo vấn đề số lượng. Nhưng hiện tại, khi mà số lượng đã đảm bảo, thậm chí dư thừa, huyện cần có phương án chuyển đổi cơ cấu các loại giống có chất lượng, để vừa đảm bảo giá trị sản lượng; nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết tốt vấn đề này, một mặt Yên Thành cần cơ cấu nhiều giống cây, con cho năng suất nhưng đảm bảo chất lượng, mặt khác phải nhanh chóng chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của UBND tỉnh, gắn sản xuất tăng cường thâm canh với việc tìm doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có như vậy bà con mới yên tâm sản xuất, làm giàu ngay trên chính đồng ruộng của quê hương.
* Ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sản xuất thử là một hoạt động nhằm kiểm tra lại các đặc tính nông học, giá trị canh tác của 1 loại giống cây trồng trước khi đưa ra sản xuất đại trà. Đây là việc làm bắt buộc trong công tác khảo nghiệm. Yên Thành là huyện đã có nhiều đầu tư, phối hợp tốt với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống nên hàng năm đã đưa ra được nhiều loại giống tốt để đưa vào sản xuất, đó là nguyên nhân quan trọng góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa hàng năm của huyện và cả tỉnh.
* Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Chúng tôi xác định trồng trọt là thế mạnh của Yên Thành. Ngoài sản xuất lương thực đảm bảo an ninh lương thực, chúng tôi còn phối hợp với các công ty sản xuất giống như Công ty giống T.Ư1, Công ty CP Giống Nghệ An, Công ty CP Vật tư nông nghiệp, Công ty Giống Thái Bình, hàng năm sản xuất 6.000 tấn giống cho các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 sản xuất giống trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho bà con.
Bài, ảnh: Thu Huyền