Chiêu cũ, nạn nhân mới

19/05/2013 17:48

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp “vạch mặt” thủ đoạn của bọn lừa đảo dùng “chiêu” thông báo người dân trúng thưởng giá trị lơn rồi yêu cầu người dân phải cào thẻ điện thoại làm “phí giao dịch”. Thế nhưng, đến thời gian nhận thưởng như lời hứa hẹn thì người dân mới tá hỏa khi không thấy đoàn đến trao thưởng, gọi lại cho “nhân viên trao thưởng” thì thuê bao “không liên lạc được”.

Sập “bẫy” vì hám lợi

Hai ngày sau khi bị một đối tượng lạ thông báo trúng thưởng và lừa nộp hơn 8 triệu đồng tiền thẻ cào điện thoại, chị Cao Thị Hà (SN 1969, trú tại xóm 5, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) vẫn không tin là mình lại bị lừa dễ dàng đến như vậy. Chị Hà kể lại, vào khoảng 10h sáng ngày 16/5, trong lúc đang đi mua nước cho con đang nằm điều trị trong bệnh viện thì chị nhận được cuộc điện thoại từ số 01628.237.66X. Khi nhấc máy, đầu dây bên kia là một người đàn ông, nói giọng miền Trung lơ lớ, tự nhận là nhân viên của trung tâm công bố kết quả trúng thưởng chi nhánh ngân hàng A. ở TP Đà Nẵng.

“Người này thông báo tôi là một trong số 21 người may mắn nhận được giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 21 năm thành lập chi nhánh ngân hàng với tổng giải thưởng trị giá 195 triệu đồng. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 150 triệu đồng tiền mặt, một chiếc xe máy trị giá 38 triệu đồng, 1 chiếc tủ lạnh trị giá 7 triệu đồng”, chị Hà cho biết.



Chị Hà kể lại sự việc bị đối tượng lừa đảo nộp thẻ điện thoại

Qua điện thoại, người này yêu cầu chị Hà đọc số chứng minh nhân dân để làm hồ sơ nhận thưởng. Trong ngày 16/5, chị Hà liên tiếp nhận được các yêu cầu nộp tiền lúc 500.000 ngàn đồng, lúc 1,7 triệu, lúc là 6 triệu đồng từ đối tượng bằng thẻ cào điện thoại để “hoàn tất hồ sơ” và tiền làm “lễ nhận thưởng”. Trong lúc túng quẫn, thiếu tiền chữa bệnh cho con lại thấy giải thưởng “trên trời rơi xuống” nên chị Hà cũng bấm bụng vay mượn của anh em, bạn bè để đi mua thẻ cào điện thoại.

Chị Hà đã mua và cào 10 thẻ mệnh giá 500.000 đồng, 6 thẻ 300.000 đồng, 2 thẻ 200.00 đồng, 5 thẻ 100.000 đồng và 14 thẻ 50.000 đồng; tổng cộng là 8,4 triệu đồng gửi mã số thẻ đến số máy của “nhân viên trao thưởng”. Trong quá trình đi mua thẻ cào, người đàn ông này liên tục yêu cầu chị Hà phải tuyệt đối bí mật, không cho ai biết và chỉ được thông báo khi đã nhận thưởng. Sau khi gửi toàn bộ mã số thẻ cho đối tượng thì người này gọi điện thông báo đoàn quay số trúng thưởng đang trên đường vào TP Vinh mang tiền và hiện vật đến trao thưởng và dặn dò chị Hà phải ăn mặc đẹp, sửa soạn nhà cửa vì sẽ có đoàn quay phim, chụp ảnh lúc trao thưởng?!

Là người thật thà nên chị Hà cứ đinh ninh rằng đoàn quay số trúng thưởng đang trên đường mang tiền và xe đến cho mình nên không mảy may nghi ngờ. Chiều ngày 17/5, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị Hà phải nộp thêm 15 triệu đồng nữa mới có thể nhận được toàn bộ giải thưởng. Đến lúc này, chị Hà mới ngờ vực sự khuất tất trong việc trao thưởng và biết mình bị lừa.

Trao đổi qua điện thoại, đại diện của ngân hàng A. khu vực Miền Trung thì được biết, ngân hàng này có chương trình mở thưởng cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm chứ không có chương trình trúng thưởng lớn đến gần 200 triệu đồng như chị Hà phản ánh. “Nếu khách hàng nào trúng thưởng, chúng tôi sẽ thông báo công khai và mời đến để nhận thưởng chứ không phải chịu phí nộp điện thoại trước như vậy. Người dân cần cảnh giác với trò lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng từ trên trời rơi xuống để tránh mất tiền oan”, vị đại diện ngân hàng A. cho biết.

Được biết, con trai chị Hà là cháu Nguyễn Hữu Lợi (SN 1994) bị ung thư hạch từ năm 2011. Hơn 3 năm chạy chữa cho con khắp các bệnh viện, tiền bạc, của cải trong nhà chị lần lượt “đội nón ra đi”. Trong đợt điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, các bác sĩ thông báo con chị đã không còn khả năng cứu chữa được nữa. Chị Hà tâm sự trong nước mắt: “Trong người tôi không còn một đồng nào nữa các anh à, muốn mua cho con hộp sữa mà cũng không có. Cũng chỉ vì tôi quá nhẹ dạ cả tin mà mất tiền cho bọn chúng, tôi mong cơ quan công an sớm tìm ra thủ phạm”.

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo

Không riêng chị Hà mà thời gian qua, nhiều người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua điện thoại. Còn nhớ, ngày 15/2/2012, ông Hà Phi Học - người dân tộc Thái, trưởng bản Huồi Mộng, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) cũng bị số điện thoại lạ gọi điện thông báo ông trúng thưởng 180 triệu đồng trong chương trình quay số may mắn của tổng đài điện thoại. Quá thật thà lại thiếu cảnh giác, ông Học đã nộp hàng trăm chiếc thẻ điện thoại trị giá 25 triệu đồng cho số máy lạ. Khi ông Học liên lạc vào số điện thoại trên thì đã tắt máy và nghe mọi người cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trên thì ông Học mới nhận ra là mình đã bị kẻ xấu lợi dụng.

Phần lớn các nạn nhân đều là người có trình độ hiểu biết ít, thiếu cảnh giác lại hám lợi trước phần thưởng lớn trong khi chưa tìm hiểu kỹ càng giải thưởng mà mình nhận từ đâu mà có? Thủ đoạn của bọn chúng là thường mạo danh các nhà mạng, ngân hàng… nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định hoặc giả danh danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào.

Theo một cán bộ điều tra, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại không hề mới và cũng hết sức đơn giản, bọn chúng chỉ cần ngồi ở một nơi nào đó, nhắn tin hoặc gọi điện thoại đối với những người mà chúng biết được số điện thoại và có thể thực hiện được hành vi lừa đảo. Bằng việc đánh trúng tâm lý của nhiều người dân là thích nhận phần thưởng, rồi yêu cầu người được thông báo trúng thưởng phải trả cước phí vận chuyển, lệ phí nhận hàng... bằng mọi cách để chiếm đoạt của người mà bọn chúng thông báo.

Đối với loại tội phạm này rất khó truy tìm, chúng thường sử dụng sim điện thoại trả trước không đăng ký, thay đổi họ tên rồi mạo danh những nhà mạng, cơ quan và tổ chức có uy tín để thực hiện hành vi lừa đảo, sau khi thực hiện xong chúng vứt sim. Do đó, công tác truy xét đối tượng lừa đảo gặp rất nhiều khó khăn.

Để tránh tình trạng “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng và kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện những kiểu lừa đảo kiểu này./.


Bài, ảnh: Doãn Hòa