Khó thực thi

23/05/2013 20:09

(Baonghean) - Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô gia đình phải có bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu như không có, bởi không đủ điều kiện để được cấp.

X ưởng mộc của ông Nguyễn Hồng Hải ở trong khu dân cư nên khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn phát sinh từ quá trình sản xuất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân khối 3, khối 4, phường Lê Lợi. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì cơ sở không có cam kết bảo vệ môi trường. Vì vậy, UBND Thành phố Vinh đã ban hành Quyết định số 4572/QĐ-UBND ngày 30/7/2012, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ông Nguyễn Hồng Hải, với mức xử phạt 15.000.000 đồng và yêu cầu ông Hải chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thửa đất số 158, tờ bản đồ số 46 thuộc khối 4, phường Lê Lợi.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình rất ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đa số hoạt động mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm. Nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhưng cũng không có cam kết và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Theo Trung tá Trần Đình Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường Công an TP Vinh: Trong tháng 4/2013, Đội tiến hành kiểm tra tại 10 xưởng mộc thì cả 10 đều không có cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống thu gom khí thải, không che chắn,… ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ dân sống xung quanh.

Không riêng gì các cơ sở sản xuất mộc, vấn đề ô nhiễm có thể phát sinh ở bất kỳ cơ sở sản xuất mặt hàng nào. Chị Nguyễn Thị H, nhà ở cạnh một cơ sở gia công sắt thép tại phường Hà Huy Tập bức xúc, mỗi lần nhà bên cạnh cắt sắt, gia đình tôi đều phải ở trong nhà đóng kín cửa, đeo khẩu trang…, nhưng vẫn ngửi mùi hôi, khét. Còn tiếng ồn thì phát ra ngày đêm, làm tôi luôn bị đau nửa đầu, có lúc như nghẹt thở, con nhỏ thì thường xuyên bị giật thột.



Garage Quang Huế, số 7, đường Mai Hắc Đế (Thành phố Vinh) là một trong những cơ sở chưa có cam kết bảo vệ môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Hải - chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vinh cho biết: Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình phải có khoảng cách bảo vệ môi trường nhưng thực tế là nằm trong khu dân cư. Vì vậy vấn đề gây ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiếp nhận trên chục đơn phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô gia đình gây ra.

Ông Hồ Sỹ Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở TN&MT cho biết thêm: Theo Điều 24 của Luật Bảo vệ môi trường thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình phải lập cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường nhằm xác định rõ địa điểm thực hiện, trong đó xác định rõ mối tương quan về địa điểm của cơ sở với các công trình xung quanh; loại hình quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng, các loại chất thải phát sinh, từ đó đề ra các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các hộ gia đình, cá nhân và một số tổ chức sử dụng đất ở hoặc đất trong khu dân cư để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là phổ biến. Vì vậy, không thể cấp cam kết bảo vệ môi trường, vì đã sử dụng đất sai mục đích…

Trong khi đó, theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không có bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Hữu Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh: Theo quy định, nếu không có cam kết bảo vệ môi trường thì tiến hành xử phạt, nhưng vấn đề là sau xử phạt thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô gia đình vẫn không làm được cam kết bảo vệ môi trường bởi không đủ điều kiện theo quy định.

Thiết nghĩ, để giải quyết hài hoà hai vấn đề trên không hề đơn giản, đòi hỏi các cấp ngành cần nghiên cứu bổ sung các quy định sao cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, trước mắt cùng với việc khuyến khích phát triển kinh tế quy mô gia đình, các địa phương cần kiểm tra hoạt động của các cơ sở để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do cơ sở gây ra. Đối với cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và có khiếu nại tố cáo của dân cư thì phải xác định mức độ ô nhiễm.

Nếu đã xử lý hành chính nhưng vẫn không có biện pháp khắc phục thì phải cương quyết buộc di dời, chấm dứt hoạt động. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để các chủ cơ sở có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình và cộng đồng. Sớm quy hoạch các khu làng nghề, các địa điểm tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở vào đó để hoạt động đúng pháp luật về bảo vệ môi trường.


Bài, ảnh: Đặng Nguyễn