Thu nhập cao nhờ nuôi thỏ
(Baonghean.vn) - Ông Phan Văn Hoàng ở xóm 6, xã Trung Thành (Yên Thành) 5 năm nay nuôi thỏ hàng hóa đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.
Theo địa chỉ có được, chúng tôi đến khu vực chăn nuôi thỏ của ông Phan Văn Hoàng. Ông Hoàng xởi lởi dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4, rộng chừng 70 m2, trong đó là những hộp được đóng bằng các thanh gỗ để nhốt thỏ. Mỗi hộp gỗ rộng khoảng ½ m2 chồng lên nhau. Trong mỗi hộp gỗ ấy là thỏ giống, và từng đàn thỏ con. Ông Hoàng, cho biết: Thỏ sinh trưởng rất nhanh, nhờ chu kỳ sinh sản ngắn ngày. Thỏ cái mang thai chỉ có 30 ngày. Mỗi con thỏ cái, một năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa 6 – 8 con. Nhà tôi hiện có 40 con thỏ mẹ, tính ra mỗi năm chúng đẻ khoảng 2 nghìn con. Số thỏ con đó, ngoài bán thỏ giống cho bà con trong và ngoài huyện, còn bao nhiêu vợ chồng nuôi để bán thịt. Thị trường tiêu thụ thỏ thịt mạnh nhất là vào mùa hè. Các nhà hàng, khách sạn, đặt mua với số lượng lớn. Giá thỏ thịt hiện tại là 100 nghìn đồng/kg. Thỏ giống 150 nghìn đồng/kg.
Nói về nghề nuôi thỏ, ông Hoàng chia sẻ: Năm 2009, vợ chồng ông đến phiên chợ Dinh mua 1 đôi thỏ giống về nuôi thử, không ngờ chúng phát triển thành đàn rất nhanh. Chỉ sau 1 năm, 1 đôi thỏ giống nhân lên thành trăm con. Nhận thấy nuôi thỏ “dễ ăn”, vợ chồng tính đến chuyện đầu tư chuồng trại để nuôi thỏ hàng hóa. Vừa nuôi vừa tham khảo kỹ thuật qua các tài liệu, cho đến nay ông đã là người có kinh nghiệm dày dạn để nuôi thỏ. Nói thế thôi, có thời điểm, vợ chồng ông cũng gặp khó khăn, một phần vì thỏ gặp bệnh, rồi thì giá bán ngoài thị trường thấp… vợ ông khuyên nên chuyển sang nuôi con khác, nhưng ông vẫn quyết tâm nuôi bằng được. Bởi với ông, sau mỗi lần thất bại là một lần thành công. Từ đó đến nay đàn thỏ của gia đình ông phát triển ngày càng nhiều.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương tìm đến ông để mua thỏ giống về nuôi. Dù bán cho ai, ở đâu, ông Hoàng đều hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo về kỹ thuật nuôi và không quên cho địa chỉ, điện thoại. Những người ở xã, không đến trực tiếp được mà gọi qua điện thoại, ông vẫn nhiệt tình hướng dẫn.
Ông Hoàng cho biết, thỏ thường bị bệnh đường ruột (đau bụng), bởi ruột của nó rất mỏng, yếu. Nếu chúng ăn phải thức ăn không sạch rất dễ bị bệnh. Bởi thế, rau, cỏ hái về phải rửa thật sạch, để ráo nước mới cho thỏ ăn. Khi cho ăn, rau buộc thành từng nắm, treo ngược lên, không cho chạm đất, thỏ ngẩng đầu lên ăn. Nếu ăn không hết thì rau, cỏ vẫn giữ được sạch, khi chúng đói, ăn thừa thức ăn còn lại cũng không bị bẩn. Nếu bỏ rau, cỏ xuống nền chuồng, chúng dẫm lên, phân dính vào, chúng ăn sẽ bị đau bụng. Nhiều người nuôi thỏ không chú ý đến vấn đề đó thì sẽ thất bại.
Ông Phan Văn Hoàng kiểm tra thỏ thịt trước khi xuất bán.
Người ta thường nói, thỏ ăn nhiều, tốn kém, nhưng theo ông Hoàng thì nuôi thỏ chi phí thấp và tận dụng được các nguồn tức ăn sẵn có và rất dễ kiếm ở các vùng nông thôn. Cơm nguội, lúa, củ khoai, rau khoai, cỏ, bèo tây… ngoài đồng hái về cho thỏ ăn. Đối với thỏ mẹ, một con mỗi ngày cho ăn 2 – 3 lần rau, hoặc cỏ, và thêm 2 chén nhỏ lúa. Chỉ cần cho ăn như thế là thỏ đảm bảo dinh dưỡng. Ngay cả việc đóng ô cho thỏ đẻ cũng cần có kinh nghiệm thực tế. Khi đẻ, thỏ mẹ sẽ nằm vào cái ô do mình đóng sẵn. Chú ý là thành của cái ô đó tốt nhất là cao 10 cm, và đáy ô phải đóng dày (bằng các thanh gỗ), không cho chuột chui vào. Lý do là khi thỏ con bú, có những con vừa ngậm vú vừa ngủ, khi thỏ mẹ đi ra ngoài, cái thành cao 10 cm ấy sẽ gạt thỏ con lại trong ô. Nếu thành quá thấp, thỏ mẹ lôi thỏ con ra ngoài ô, thỏ con sẽ bị chuột cắn, hoặc không được bú mẹ, dẫn đến chết.
Bằng những kinh nghiệm rút ra được trong nhiều năm nuôi thỏ hàng hóa, từ mấy năm nay, khi nào ông Hoàng cũng có thỏ thịt, thỏ giống bán ra thị trường. Vợ chồng ông Hoàng khoe, từ trước đến nay gia đình đã trải qua chăn nuôi nhiều thứ con: rắn, trăn, ếch… nhưng nuôi thỏ là thu nhập cao nhất. Mỗi tháng gia đình thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng từ thỏ. Nuôi thỏ nhàn và chi phí ít, do vậy khoản thu nhập hàng tháng như thế đối với nhà nông là đáng kể.
Xuân Hoàng