Lắp đặt hộp đen chỉ để... đối phó

11/07/2013 10:57

(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị định 91 của Chính phủ, Sở GTVT Nghệ An đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm về việc lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình (gọi là hộp đen) và lái xe vi phạm. Tuy nhiên, phần lớn thiết bị được lắp đặt đều không trích xuất được đầy đủ các dữ liệu theo quy định.

Thực hiện Nghị định 91, Thanh tra GTVT Nghệ An đã thành lập 2 đoàn tiến hành tổng kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra tại 41 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với 638 xe chạy tuyến cố định, 41 xe hợp đồng du lịch, 68 xe buýt và 28 xe công-ten-nơ thì tất cả các phương tiện đã được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, phần lớn thiết bị được lắp đặt đều không trích xuất được đầy đủ các dữ liệu theo quy định, có 26 phương tiện thiết bị giám sát hành trình không hoạt động. Nhiều trường hợp thiết bị mất kết nối, không kiểm tra được trên máy, hoặc báo thông tin không chính xác. Một số đơn vị vẫn chưa có sổ theo dõi tình hình phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, chưa theo dõi, nhắc nhở, xử lý lái xe vi phạm về an toàn giao thông.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sở dĩ một số phương tiện lắp đặt thiết bị không hoạt động, không trích xuất đầy đủ dữ liệu là do tâm lý một số chủ xe ham giá rẻ nên lắp đặt thiết bị kém chất lượng, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn là bị mất kết nối hoàn toàn.



Kiểm tra hộp đen tại Bến xe Vinh

Theo ông Vũ Hoàng Huynh – Trưởng Bến xe Vinh thì gần 50% xe khách chạy nội tỉnh lắp đặt thiết bị kém chất lượng, có giá thành rẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện này hầu như là xe cũ, giá trị xe thấp, chỉ chạy các tuyến ngắn như: Vinh – Dùng, Vinh – Đô Lương, Vinh – Hoàng Mai… lại phải cạnh tranh với các xe buýt tuyến cố định, ít khách, thu nhập không được bao nhiêu, nếu lắp đặt “hộp đen” tốt, giá thành cao ảnh hưởng đến thu nhập nên chủ xe chỉ lắp đặt thiết bị rẻ tiền để đối phó với lực lượng chức năng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 đơn vị đại diện của các doanh nghiệp có trụ sở đóng ở Hà Nội cung cấp thiết bị giám sát hành trình có giá giao động từ 2 – 7 triệu đồng/cái. Các đại lý này thường tìm đến các doanh nghiệp, các chủ xe để tư vấn, mời chào chủ xe mua thiết bị của họ. Tuy nhiên, do không có trụ sở cố định đóng tại Nghệ An nên việc bảo hành, sửa chữa thiết bị khi có sự cố hoặc hư hỏng chưa được các đại lý quan tâm. Một số đơn vị khi nhận được yêu cầu sửa chữa từ phía khách hàng còn cố tình trốn tránh không có hồi âm.

Đơn cử như trường hợp của Xí nghiệp xe khách thuộc Công ty CP đầu tư và phát triển miền Trung. Tháng 6/2012, Xí nghiệp ký hợp đồng với đại lý tại Nghệ An thuộc Công ty CP phát triển công nghệ Hà An (có trụ sở đóng ở Hà Nội) lắp đặt 7 thiết bị giám sát hành trình cho 7 phương tiện chạy tuyến đường dài với giá 5.000.000đồng/thiết bị. Thế nhưng, hoạt động chưa được 6 tháng, thiết bị đã hỏng hoàn toàn, không trích xuất được dữ liệu. Xí nghiệp đã nhiều lần liên lạc với đại lý của Công ty Hà An tại Nghệ An nhưng không có tín hiệu. Bất đắc dĩ, đại diện Xí nghiệp xe khách Nghệ An gửi công văn ra Công ty Hà An nhưng lãnh đạo công ty không chịu trách nhiệm.

Ông Lê Hồng Sơn – Phó Giám đốc Xí nghiệp xe khách Nghệ An bức xúc nói: Hầu như đơn vị nào đến chào hàng cũng có giấy chứng nhận chất lượng do Bộ GTVT cấp nhưng thực tế chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu.

Do chưa có thông tin thế nào là hộp đen hợp chuẩn nên nhiều doanh nghiệp, chủ xe chọn loại rẻ tiền, miễn là có một số tính năng như ghi nhận hành trình, tốc độ, vị trí xe dừng, đỗ, không quan tâm đến những tính năng khác như cổng in, thời gian lái xe của tài xế...

Theo ông Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Kế hoạch Đào tạo, Công ty CP Bến xe Nghệ An thì hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải lắp đặt “hộp đen” chạy theo số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng. Còn các doanh nghiệp cung cấp thiết bị trên địa bàn tỉnh chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như chế độ bảo hành, bảo dưỡng thiết bị. Do vậy, có rất nhiều thiết bị được lắp đặt mà không trích xuất được dữ liệu. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải cũng chưa chú trọng đến khâu kết nối dữ liệu của thiết bị khi xe hoạt động với bộ máy quản lý tại đơn vị.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần “mạnh tay” hơn nữa trong việc kiểm tra, xử phạt các phương tiện có “hộp đen” không trích xuất được đầy đủ dữ liệu theo quy định, cũng như các đơn vị cung cấp thiết bị không đảm bảo chất lượng. Bởi, Nghị định 91 đi vào cuộc sống, “hộp đen” được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu để giám sát các tài xế cũng như doanh nghiệp vận tải, nhằm góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

Ông Nguyễn Viết Hùng – Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: Thiết bị giám sát hành trình được xác định là công cụ kiểm soát phương tiện, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều đơn vị lắp thiết bị một cách chiếu lệ, mang tính đối phó nhằm tránh bị xử phạt, thậm chí còn sử dụng thiết bị không hoạt động. Qua kiểm tra, hầu hết các thiết bị thiếu thông tin về lái xe, thời gian làm việc liên tục của lái xe, vận tốc, số lần mở cửa lên xuống xe. Thanh tra GTVT đã thu hồi phù hiệu tuyến của 26 phương tiện có thiết bị không hoạt động.

Trong quá trình tìm hiểu để viết bài, chúng tôi được một số lái xe “bật mí” cách thức họ qua mặt lực lượng chức năng khi kiểm tra việc trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Theo họ, để “hộp đen” không ghi lại thời gian mở cửa lên xuống xe (đồng nghĩa với việc dừng đỗ xe bắt khách dọc đường), thay vì dùng tay mở cửa xe thì họ sẽ dùng điều khiển để mở. Như vậy, thiết bị giám sát hành trình sẽ “vô tác dụng” đối với việc mở cửa bắt khách dọc đường.


Võ Huyền