Cần xử lý nghiêm vấn nạn xe “dù”
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt nhưng hiện tượng xe “dù”, “bến cóc” trên địa bàn TP Vinh vẫn tồn tại và hoạt động biến tướng dưới rất nhiều hình thức. Đặc biệt là hiện tượng xe “dù” chạy lòng vòng đón trả khách không đúng nơi quy định gây mất trật tự ATGT, bán khách dọc đường đem lại đủ thứ phiền phức cho hành khách.
Đầu tháng 6 vừa rồi, anh bạn tôi có việc phải đi công tác ở Hà Nội. Vì vội nên anh không vào bến mà bắt xe dọc đường. Anh lên xe khách mang BKS 37B.00073 tuyến Vinh – Hà Nội. Trước khi lên xe, anh bạn tôi hỏi phụ xe: “Xe nhà mình có về bến Mỹ Đình không?”. Phụ xe vừa kéo anh bạn tôi lên xe, vừa nói: “Xe nhà em về tận bến Mỹ Đình, bác không tin, về đến bến hãy trả tiền!”.
Xe “dù” bắt khách tại trục đường Lê Lợi – TP Vinh.
Thế nhưng, xe chạy được một đoạn đã thấy phụ xe đến thu tiền. Khoảng hơn 10 giờ, xe đến thành phố Ninh Bình thì dừng lại. Phụ xe thông báo: “Mời các bác xuống xe để về Hà Nội”. Mọi người ngơ ngác. Một vài ý kiến thắc mắc. Mặc kệ, phụ xe vẫn dục hành khách: “Các bác yên tâm, xe nhà cả mà”. Anh bạn tôi đành theo mọi người chuyển đồ sang xe 35B- 002.04. Xe chạy đến đường cao tốc Pháp Vân thì nhà xe 35B-002.04 lại bán toàn bộ khách trên xe sang cho một chủ xe khác. Một chặng đường không dài chỉ gần 300km mà bị “bán” những hai lần làm toàn bộ hành khách tơi tả và đặc biệt là cảm giác bị lừa khiến mọi người rất bất bình.
Hiện tượng xe “dù” chạy lòng vòng để đón khách, bán khách dọc đường hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối. Tại các trục đường như Lê Lợi, Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Phú, Phan Đình Phùng… rất dễ dàng bắt gặp cảnh rất nhiều xe khách chạy lòng vòng, cạnh tranh nhau để đón khách, thậm chí phụ xe còn nhoài hẳn cả người ra ngoài cửa chính để vẫy khách, lôi kéo khách gây cản trở và mất an toàn giao thông đối với người đi đường.
Trên địa bàn TP Vinh hiện có hai bến xe chính là Bến xe Vinh và Bến xe chợ Vinh do Công ty CP Bến xe Nghệ An quản lý với 700 đầu xe của các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân đăng ký tham gia dịch vụ bến bãi của công ty. Những xe này xuất phát từ bến xe đúng giờ, đúng lịch trình, vé xe bán theo giá niêm yết của công ty. Tuy nhiên, do lượng khách thất thường, một số xe xuất phát từ bến nhưng không đủ lượng khách theo yêu cầu nên dọc đường dừng đón khách không đúng nơi quy định, thậm chí chạy lòng vòng khắp thành phố để đón khách. Bên cạnh đó, có hàng trăm chiếc xe “dù” hoạt động dịch vụ vận tải hành khách nhưng không tham gia bến bãi. Những chiếc xe này thường xuất phát sau những xe khách tham gia dịch vụ bến bãi của Công ty CP Bến xe Nghệ An khoảng 5 – 10 phút để tranh giành, lôi kéo khách đối với những xe này.
Do không có lượng khách từ trong bến nên những chiếc xe “dù” phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, chạy đua với những xe xuất phát từ trong bến để tranh giành khách. Nếu gom đủ khách thì những chiếc xe này sẽ chạy thẳng đến điểm dừng cuối cùng, nếu không đủ thì xe chạy ra khỏi địa bàn tỉnh và bán khách lại cho những chiếc xe khác để hưởng chênh lệch 20% giá vé.
Anh Vũ Hoàng Huynh – Trưởng Bến xe Vinh cho biết: Rất nhiều hành khách có thói quen đón xe dọc đường mà không vào bến mua vé do vậy đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo của chủ xe “dù” đối với hành khách. Hiện tượng này phổ biến nhất đối với khách hàng đi xe các tuyến đường dài. Nhiều chủ xe lôi kéo khách bằng cách hạ giá vé thấp hơn giá mua tại bến, có xe còn lừa khách giá vé bao gồm cả ăn trưa, ăn tối trong đó nhưng thực chất dọc đường đi, khách bị bán qua bán lại nhiều lần, có lúc lại bị chủ xe khác vòi thêm tiền xe thì nói gì đến chuyện lo bữa trưa, bữa tối.
Bên cạnh hoạt động của các xe “dù” chở khách liên tỉnh là một số xe khách lợi dụng phù hiệu hợp đồng bắt khách dọc đường chạy các tuyến Dùng, Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương… Hoặc, đội lốt xe khách chạy tuyến đường dài, gom khách dọc đường sau đó dồn lại một xe rồi mới xuất phát. Dọc đường, nếu bị kiểm tra thì chủ xe sẽ xuất trình “phù hiệu hợp đồng” để qua mắt lực lượng chức năng.
Anh Võ Minh Đức – Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Hiện nay, có rất nhiều xe “dù” hoạt động biến tướng. Do không cố định tại một điểm, không cố định thời gian xuất phát nên lực lượng chức năng rất khó kiểm tra xử lý. Đặc biệt là một số lái xe “dù” chưa có kinh nghiệm, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép các xe khác là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông hiện nay.
Mặt khác, theo Nghị định 152 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) vừa mới ban hành, đối với trường hợp đón, trả khách không đúng quy định, không giữ phương tiện mà chỉ xử phạt hành chính với mức 200 nghìn đồng là quá nhẹ nên nhiều trường hợp tiếp tục vi phạm.
Thiết nghĩ, để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, bên cạnh việc tăng mức xử phạt các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động xe “dù”, bến “cóc”. Đồng thời, các hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý cần trang bị điện thoại nóng, lái xe phải đeo thẻ trước ngực, có tên để khi khách hàng có khiếu nại thì gọi điện thoại đến cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Bên cạnh đó, hành khách cần bỏ thói quen bắt xe dọc đường, nên vào bến xe mua vé nhằm đảm bảo quyền lợi và tránh bị lừa bán dọc đường.
Võ Huyền