Những người cắm mốc biên giới

04/07/2013 10:36

(Baonghean) - Trải qua gần 6 năm cắm mốc biên giới Việt – Lào đoạn qua tỉnh Nghệ An, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chân thành giữa các đội cắm mốc của 2 quốc gia được xem là mấu chốt để công tác cắm mốc hoàn thành đúng tiến độ, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào trở thành biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển lâu dài.

Thực hiện kế hoạch tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào của Chính phủ, tháng 12/2008, tỉnh Nghệ An thành lập Đội cắm mốc số 1 do Thượng tá Phan Văn Hồng làm đội trưởng. Đến tháng 10/2010, do yêu cầu nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ cắm mốc theo kế hoạch được giao, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh, Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào đã quyết định thành lập thêm Đội cắm mốc số 2 do Trung tá Phan Thanh Hồng làm đội trưởng. Trong suốt thời gian 5 năm đó, 2 đội cắm mốc của tỉnh Nghệ An và 2 đội cắm mốc của phía nước bạn Lào đã phối hợp chặt chẽ, chính xác, nhịp nhàng, để hoàn thành nhiệm vụ chung mà 2 Đảng, 2 Nhà nước giao phó.



Vượt sông suối, rừng già cắm mốc- Ảnh Thanh Hồng.



Các đội cắm mốc tỉnh Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào xác định vị trí mốc
- Ảnh Thanh Hồng.

Giữa những ngày tháng 7 nắng vàng rực rỡ, 2 nước Việt Nam - Lào đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng tổ chức Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa tại Cửa khẩu Thanh Thủy – Nậm o­n. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, thể hiện tình đoàn kết đặc biệt và quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào nói chung, cũng như sự hợp tác tốt đẹp trong quá trình giải quyết vấn đề lãnh thổ, biên giới giữa 2 nước nói riêng. Trong niềm vui chung đó, chúng tôi được gặp những cán bộ cắm mốc và được chia sẻ niềm vui của các anh sau những tháng năm vất vả, phấn đấu trên thực địa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thượng tá Phan Văn Hồng – Đội trưởng Đội 1 chia sẻ: “Thời gian được nhận nhiệm vụ thực hiện cắm mốc biên giới Việt – Lào là dấu ấn quan trọng đối với cuộc đời binh nghiệp của tôi. Dù trong quá trình làm nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu nhưng tôi và các anh em trong đội đã vượt qua và phối hợp hiệu quả với đội cắm mốc của nước bạn Lào, hoàn thành cắm 39 mốc/41 vị trí (2 mốc đôi) thuộc đoạn đường biên mà đội được giao phụ trách. Bây giờ nhìn lại, chúng tôi rất hạnh phúc vì đã góp được phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia”.

Còn với Trung tá Phan Thanh Hồng – Đội rưởng Đội cắm mốc số 2, khi trao đổi với chúng tôi, bên cạnh niềm vui vì được đóng góp công sức mình cho quê hương đất nước, là những kỷ niệm không thể nào quên trong hành trình cắm mốc biên giới. Đó là những chuyến vượt rừng, băng suối, leo núi ròng rã cả tuần để lên được điểm cắm mốc trong khi trên người mang vác gần 30kg trong điều kiện thời tiết lúc nắng nực, lúc mưa rừng dầm dề ngày này qua ngày khác. “Đi rừng dài ngày, nhiều khi anh em trong đội còn phải đi bắt cá, hái rau để cải thiện thêm bữa ăn, bởi thực phẩm mang theo chủ yếu là đồ khô. Chúng tôi còn học được cách lưu trữ lương thực dọc đường đi của người dân địa phương vừa giảm nhẹ lúc đi và về, vừa có lương thực tại những điểm đoàn xác định nghỉ chân. Còn những vất vả trên đường đi không thể tả hết” - Trung tá Hồng chia sẻ.

Những câu chuyện trên chỉ là một phần rất khiêm tốn trong chặng hành trình dài 5 năm đi cắm mốc dọc đường biên giới của các cán bộ trong 2 đội cắm mốc của tỉnh Nghệ An. Chúng tôi thực sự chia sẻ, cảm phục tinh thần ý chí của các anh và càng trân trọng hơn khi các anh rất ít nói về mình, về những khó khăn, vất vả, thiếu thốn … Đường biên giới Việt – Lào, trong đó có đoạn qua tỉnh Nghệ An giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay dài 419,5km, có 105 vị trí với 116 mốc quốc giới và 6 vị trí cọc dấu được cắm bổ sung được vẽ nên hình hài từ chính đôi bàn tay, khối ốc của những con người bình dị với trái tim luôn rực cháy vì Tổ quốc như thế!


Thành Duy