Khó khăn và bất cập

23/05/2013 11:40

(Baonghean) - Sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 4 tháng đầu năm, 6 huyện: Tương Dương, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Quỳ Châu, Nam Đàn, Thanh Chương đã bị UBND tỉnh phê bình; Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa và hai huyện: Quỳnh Lưu, Quế Phong bị nhắc nhở do để số người chết vì tai nạn giao thông gia tăng. Qua tìm hiểu thì việc lạm dụng chất có cồn sau đó sử dụng phương tiện tham gia giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân cơ bản.

CÓ mặt tại huyện Quỳ Hợp, một trong 6 địa phương bị UBND tỉnh phê bình để tìm hiểu nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng. Công an huyện Quỳ Hợp cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán 2013 là khoảng thời gian gia tăng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng về người. Chỉ tính từ ngày 1/1/2013 đến 28/2/2013 đã xẩy ra 9 vụ, gây chết 9 người, bị thương 4 người. Một số vụ việc điển hình như: Ngày 12/2/2013, tại km 61 + 650 QL 48 thuộc xã Đồng Hợp, xẩy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô 37X3 do Quang Văn Minh sinh năm 1994, trú tại xóm Đồng Chiềng, xã Đồng Hợp điều khiển chở người ngồi sau là Trương Văn Cường (cùng trú tại xã Đồng Hợp) với xe mô tô 37L5 - 3801 do Vi Văn Tân sinh năm 1994 trú ở xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn điều khiển chở người ngồi sau là Lê Văn Phương (cùng trú ở xã Nghĩa Mai). Hậu quả, Quang Văn Minh chết; Cường, Tân và Phương đều bị thương. Nguyên nhân được xác định do Minh điều khiển xe không đúng phần đường.

Ngày 20/1/2013, tại đường liên thôn xã Hạ Sơn, xẩy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô 37H1-04940 do anh Lê Văn Thanh sinh năm 1958, trú tại xã Hạ Sơn điều khiển với xe mô tô 37C-02365 do anh Bùi Văn Tuấn sinh năm 1974, cùng trú tại xã Hạ Sơn điều khiển khiến anh Thanh chết tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do anh Thanh vượt ẩu... Theo Trung úy Đàm Văn Linh - cán bộ phụ trách điều tra xử lý tai nạn giao thông của Đội điều tra trật tự xã hội Công an huyện Quỳ Hợp, trong quá trình điều tra từ thân nhân, nhân chứng đã xác định các đối tượng trước thời điểm gây tai nạn giao thông đều có sử dụng bia, rượu.



Hình ảnh vi phạm an toàn giao thông trên QL 48.

Từ ngày 16/11/2012 đến ngày 13/5/2013, trên địa bàn tỉnh có 166 vụ tai nạn giao thông đường bộ đường sắt làm chết 118 người, bị thương 142 người; so với cùng kỳ tăng 7 vụ, tăng 7 người chết, giảm 9 người bị thương. Theo Thượng tá Bạch Hưng Dũng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản 63.232 trường hợp, xử lý 61.707 trường hợp, trong đó đã xử lý 1.662 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, đối với các vụ gây tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn thì hầu như không có thống kê cụ thể bởi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Chính vì vậy, từ đầu năm 2013 đến nay, chỉ có một vụ tai nạn giao thông được xác định là có liên quan đến nồng độ cồn. Vụ việc này xẩy ra hồi 20 giờ ngày 5/3/2013, tại đường liên xã thuộc thôn 9, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, xẩy ra giữa xe mô tô 37E1-132.74 do Nguyễn Đình Kha, sinh năm 1984, thường trú tại thôn 7, Thanh Thịnh, Thanh Chương điều khiển với xe mô tô chạy ngược chiều mang biển số 37Z4-6832 do Nguyễn Văn Đường, sinh năm 1970, thường trú tại xóm 8, xã Thanh Hương, Thanh Chương điều khiển. Hậu quả anh Nguyễn Văn Đường chết, Nguyễn Đình Kha bị thương.

Vụ việc đã được Cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Chương thụ lý và nguyên nhân được xác định là do Nguyễn Đình Kha điều khiển xe mô tô không đúng phần đường quy định và có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép (0,695mg/1 khí thở). Hồ sơ vụ án đã được chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện truy tố. Tòa án Nhân dân huyện Thanh Chương đã xét xử vụ án với bản án 3 năm tù giam đối với Nguyễn Đình Kha.

Thượng tá Bạch Hưng Dũng chỉ ra những khó khăn xử lý vi phạm nồng độ cồn, đó là: phương tiện nghiệp vụ để giám định của lực lượng điều tra, xử lý tai nạn giao thông chưa được trang bị nên không đủ điều kiện xác định nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông; các vụ tai nạn giao thông xẩy ra, thường thì người điều khiển phương tiện bị chết, hoặc bị thương phải đưa đi khỏi hiện trường để cấp cứu tại các trung tâm y tế nên rất phức tạp trong xác minh nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện; sự phối kết hợp giữa các lực lượng điều tra với đội ngũ y bác sỹ các cơ sở y tế chưa chặt chẽ; các quy định liên quan đến việc hướng dẫn xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chưa được ban hành...

Trên thực tế, ngày 24/8/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ: VHTT&DL, TTTT, Công thương... ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu bia phải gắn kèm với những nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe và nguy cơ xẩy ra tai nạn khi tham giao thông; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm ngừng nghỉ không bán rượu bia cho người lái xe... Vậy nhưng, sau gần 2 năm Nghị quyết 88/NQ-CP được ban hành, những nội dung này đã không hề được thực hiện.



Quảng cáo "Văn hóa rượu Việt Tiến ra biển lớn" của hãng rượu Votka Goldstar.

Thiết nghĩ, thực hiện công tác tuyên truyền tạo nhận thức cho người tham gia giao thông và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn là những việc làm cần thiết. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh, đồng bộ những chỉ đạo của Chính phủ về sản xuất, quảng cáo, kinh doanh rượu bia. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng lạm dụng chất có cồn và sử dụng phương tiện cơ giới tham gia giao thông.


Bài, ảnh: Nhật Lân