Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển

07/06/2013 16:05

Xây dựng các khu bảo tồn nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển KT-XH bền vững trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Sáng 7/6, tại TP Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn thương hiệu Biển Việt Nam lần thứ V. Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì với sự tham dự của đại diện các cơ quan ban ngành liên quan.

Với chủ đề “Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, đảo”, diễn đàn là một trong những sự kiện chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013. Diễn đàn thương hiệu biển lần này hướng tới trao đổi về Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn thủy sản, môi trường sinh thái biển; nghiên cứu, bổ sung các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý các khu bảo tồn biển; tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội đối với các khu bảo tồn biển. Đồng thời xây dựng, phát triển và khẳng định thương hiệu biển Việt Nam gắn với xây dựng và quản lý bền vững các khu bảo tồn biển; Kinh nghiêm của các địa phương, cơ quan quản lý các khu bảo tồn biển, doanh nghiệp cộng đồng dân cư.



Các đại biểu tham dự diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ V

Với tiềm năng lớn vể biển, hải đảo, Việt Nam là quốc gia có diện tích mặt biển trên một triệu km2, bờ biển dài hơn 3.200 km, 3000 đảo lớn nhỏ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các rặng san hô, thảm cỏ biển, rong biển, rừng ngập mặn, sinh vật đáy, động, thực vật phù du… với nhiều loài có giá trị kinh tế cao đã và đang được khai thác, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và trên các đảo.

Bên cạnh đó, các hệ sinh thái đặc thù như hệ sinh thái đảo, cồn cát, đất ngập nước, cửa sông, đầm-phá, vũng –vịnh… đều rất có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn được ghi nhận, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, trong những năm gần đây, hệ sinh thái biển đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là đối với các khu biển ven bờ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự khai thác quá mức, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Sự suy giảm hệ sinh thái biển đã có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Mất hệ sinh thái này, biển Việt Nam có nguy cơ trở thành “thủy mặc” và trữ lượng tài nguyên biển sẽ suy giảm nghiêm trọng.

Vì vậy, việc xây dựng các khu bảo tồn ở nước ta nhằm phục vụ bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ sinh thái biển nói riêng là chiến lược của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Quy hoạch hệ thống khu bảo tổn biển đến năm 2020 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn từ 2010 – 2015: thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển. Đến năm 2015, ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt. Giai đoạn 2016-2020: nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn. Điều tra, khảo sát, thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn mới”.

Để góp phần phát triển thương hiệu biển, dưới góc nhìn công tác bảo tồn biển, ông Phạm Quang Mỵ- Phó văn phòng Tổng cục biển, hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiến nghị: cần phải tập trung vào những biện pháp để nâng cao và giữ gìn được các thương hiệu đã có trong các ngành, lĩnh vực, trước hết là quảng bá, bảo vệ và nâng cao hiệu quả các thương hiệu sản phẩm ngành du lịch, thủy sản, đóng tàu… Quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam gắn với việc phát huy hiệu quả các thương hiệu nhánh, trong đó có thương hiệu địa danh biển, đảo nổi tiếng lâu nay cùng với các sản vật, sản phẩm biển của nó.

Đề xuất một số giải pháp xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam, phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ông Đoàn Quang Sinh- Giám đốc Trung tâm đào tạo và truyền thông biển, hải đảo, Tổng cục biển, hải đảo Việt Nam cho rằng: cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam. Nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học; huy động cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ phát triển các khu bảo tồn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp hoạt động thường xuyên giữa ban quản lý khu bảo tồn với chính quyền địa phương, đại diện cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề trong quá trình quản lý, thực hiện công việc đang diễn ra tại khu bảo tồn biển.



Ông Đoàn Quang Sinh- Giám đốc Trung tâm đào tạo và truyền thông biển, hải đảo (Tổng cục Biển, Hải đảo Việt Nam)

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, xây dựng, khai thác, và bảo vệ tài nguyên nhằm duy trì các lợi thế về môi trường tự nhiên đặc biệt là môi trường biển, đảo Việt Nam./.


Theo (vov.vn) - L.T