Đồng hành dựng mốc chủ quyền

08/07/2013 18:40

(Baonghean) - Trong suốt hơn 5 năm ròng rã, 2 đội cắm mốc tỉnh Nghệ An ngược rừng, đạp núi để định hình đất nước bằng những cột mốc chủ quyền vĩnh hằng, nhân dân và chính quyền các huyện vùng biên theo đó cũng sát cánh kề vai để góp phần tôn tạo hình đất nước.

Dịp đi cùng các anh trong Đội cắm mốc số 1 ngược dòng Nậm Nơn lên dựng mốc tăng dày 397 nơi đầu nguồn 3 con thác Cành Trạp, Cành Mai và Cành Xơ, chúng tôi đã có dịp ngồi trên thuyền của anh Lữ Văn Duân vượt thác cùng đội.

Lướt qua Yên Hòa, Lữ Văn Duân, nhà ở bản Xằng Trên (Mỹ Lý) nhắc cánh phóng viên cất và che đậy kỹ máy ảnh, ngồi thật yên vào giữa thuyền để chuẩn bị hành trình vượt thác. Duân vốn là dân sông nước trên đầu nguồn Nậm Nơn này, học hết cấp 2 thì nghỉ đi làm nương rẫy, đánh cá và có thâm niên 5 năm chạy thuyền dịch vụ từ Mỹ Lý về lòng hồ Bản Vẽ.

Duân thuộc từng luồng nước, gờ đá trên khúc sông này – hôm trước thấy thuyền của đội bị lật ở thác trôi mất 3 tạ xi măng nên đã đến hỏi mới biết là vận chuyển vật liệu xây dựng mốc biên giới nên Duân tự nguyện góp sức giúp đội thực hiện nhiệm vụ. Cười rõ tươi khi tâm tình, Duân cho hay: “Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh biên giới, giúp bản xã nhiều việc. Nay các anh bảo dựng mốc là để tạo sự bình yên cho tất cả mọi người nên phải giúp thôi”. Không chỉ Lữ Văn Duân, mà trong những ngày đi đến các tuyến mốc cùng 2 đội, chúng tôi đã được hiểu thêm ý thức chủ quyền từ chính quyền, từ mỗi người dân khu vực biên giới khi đã tận tâm đóng góp vào công cuộc tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới trong suốt những năm qua.

Đồng chí Vy Hải Thành - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, cho biết: Kỳ Sơn là địa bàn có 11 xã biên giới với chiều dài giáp biên 192 km (chiếm gần ½ chiều dài biên giới toàn tỉnh). Xác định nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khẳng định thêm tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ 2 quốc gia, thể hiện sự nhất trí cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước về quyết tâm xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị.

Được sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, BTV Huyện ủy Kỳ Sơn đã thường xuyên chỉ đạo phối hợp giữa các cấp ngành và các lực lượng để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới tham gia, ủng hộ nhiệm vụ chính trị đặc biệt này; đưa nhiệm vụ hoàn thành công tác cắm mốc vào kế hoạch hoạt động hàng năm của cấp ủy đảng các cấp”.



Vượt suối, băng rừng xây dựng mốc giới.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền nên công tác khảo sát, xây dựng mốc đều được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân. Cụ Và Chí Cở, già làng bản Nậm Càn (xã Nậm Càn) kể: “Nậm Càn ta có 2 mốc biên giới, ở xa lắm phải đi bộ mấy ngày đường mới đến nơi. Ngày các chú cắm mốc về, ta bảo dân bản đi cùng để dẫn đường, giúp các chú mang đồ đạc lên. Làm được cái mốc mới, tốt thì người Mông ta được yên ổn làm ăn, không sợ thằng xấu nhòm ngó mấy nữa mà!”.

Ông Và Lìa Nênh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn cho biết, xã có 25 km đường biên. Từ năm 2004 trở về trước, nơi đây là địa bàn hoạt động của cụm phỉ Già Xây Xia, người dân thường xuyên lo lắng. Đến khi lực lượng biên phòng, quân đội truy quét mạnh, đặc biệt sau sự kiện anh Và Tổng Khư hy sinh, chúng mới bớt phá quấy ta. Từ khi có chủ trương tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới, xã đã chủ động triển khai đến tận từng bản về ý nghĩa, nội dung của công việc này. Nhờ đó, người dân Nậm Càn đã rất hăng hái tham gia lên rừng phát tuyến cùng lực lượng biên phòng để làm lối đi cho đội cắm mốc vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu. Ngoài ra, xã còn cử người đi cùng Huyện đội, Đồn Biên phòng Nậm Càn tổ chức phá bom Mỹ còn sót lại, mở đường lên mốc.

Thượng tá Phan Văn Hồng - Đội trưởng Đội CM1 vẫn còn nhớ rất nhiều những kỷ niệm xúc động với người dân trên đường cắm mốc. Anh nói: “Suốt hành trình dằng dặc gần 5 năm, cheo leo tận cùng trên những nơi hẻo lánh nhất của miền Tây xứ Nghệ. Đã không biết bao nhiêu sự giúp đỡ chí tình của đồng bào với đội 1. Chúng tôi chỉ có thể nói gọn lại rằng: Nếu không có đồng bào, cả 2 đội đều khó có thể hoàn thành công tác đúng thời hạn như hôm nay”.

Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: “Với địa bàn tương đối khó khăn, có 3/12 bản giáp biên nên chúng tôi đã xác định nhiệm vụ đảm bảo an ninh - chính trị vùng biên là một nội dung quan trọng. Trên cơ sở đó, xã đã chủ động trong công tác phối hợp với đồn biên phòng, dân quân để phối hợp tuần tra đường biên. Đặc biệt, trong thời gian đội cắm mốc tỉnh lên thực hiện tôn tạo, tăng dày các mốc, xã đã chỉ đạo cho các bản vùng biên giúp đỡ đội trong điều kiện có thể, với tinh thần cao nhất”.

Cho đến hôm nay, khi 116/116 mốc quốc giới đã được hoàn thành, là kết quả sau hơn 5 năm đằng đẵng. Thành quả đó, phần lớn thuộc về những người của đội cắm mốc 1 và 2. Nhưng đằng sau, cũng phải nhận thấy là biết bao công sức thầm lặng của nhân dân các dân tộc các huyện đường biên tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của người dân trên toàn tuyến biên giới vẫn còn dài mãi, khi gìn giữ, bảo vệ mỗi cột mốc chủ quyền thiêng liêng đã dựng nên, một phần lớn còn nằm trong mỗi người dân vùng biên xứ Nghệ.


Trần Hải