Chênh lệch giá mua-bán vàng lên tới 1 triệu đồng/lượng

03/07/2013 19:02


Giá vàng quốc tế giảm trở lại, cộng thêm với việc Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1,5 tấn vàng trong sáng nay, khiến giá vàng SJC biến động thất thường trong sáng nay. Giá USD tự do đứng gần mức 21.500 đồng, giá USD ngân hàng cũng ổn định quanh 21.200 đồng.



Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI báo giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại DOJI hiện giảm 650.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, nhưng chỉ giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vào lúc đầu giờ, giá vàng SJC do DOJI niêm yết thậm chí giảm còn 36,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 37,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Khoảng cách giữa giá mua và bán vàng tại doanh nghiệp này hiện đang ở mức 1 triệu đồng/lượng, cho thấy rõ sự thận trọng.

Tại thị trường Tp.HCM lúc gần 10h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) áp dụng mức chênh lệch giá mua-bán vàng miếng SJC là 800.000 đồng/lượng. Trong đó, giá mua vào là 36,55 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra là 37,35 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 300.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua.

Đầu giờ sáng, giá vàng của công ty này đã giảm còn 36,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, từ mức đáy đầu giờ, giá vàng của Công ty SJC hiện đã hồi phục 300.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tiếp tục có những biến động mạnh và khó lường do tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước.

Sau ngày 30/6, hạn chót tất toán vàng tại các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu vàng. Hôm qua, hơn 1,5 tấn vàng được chào thầu đã được các ngân hàng và doanh nghiệp “vét sạch”. Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước chào thầu thêm 1,5 tấn vàng nữa.

Kết quả đấu thầu vàng miếng của những phiên gần đây cho thấy, nhu cầu vàng miếng đang ở mức cao, cho dù các ngân hàng đã ngừng mua để tất toán. Và đây có thể là nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới giữ ở mức cao, bất chấp đã qua 30/6.

Giá vàng trong nước gần đây còn chịu tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Sau động thái này, giá USD tự do bật cao và duy trì ở ngưỡng gần 21.500 đồng. Sáng nay, ngoại tệ này có giá phổ biến trên “chợ đen” tại Hà Nội là 21.440-21.450 đồng (mua vào) và 21.480-21.490 đồng (bán ra).

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 21.170 đồng (mua vào) và 21.240 đồng (bán ra). Niêm yết giá ngoại tệ này tại Eximbank tương ứng ở mức 21.170 đồng và 21.245 đồng.

Sau 2 phiên hồi phục liên tục, giá vàng quốc tế đã quay đầu đi xuống trong phiên đêm qua tại New York. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay hạ 10,2 USD/oz, tương đương giảm 0,8%, còn 1.243,4 USD/oz.

Đến phiên châu Á sáng nay, giá vàng lại tăng nhẹ. Lúc 9h45 giờ Việt Nam, vàng giao ngay tăng 5,2 USD/oz so với giá đóng cửa phiên New York, giao dịch ở mức 1.248,6 USD/oz.

Mức giá này quy đổi theo giá USD tự do tương đương 32,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 5,1 triệu đồng/lượng.

Sau khi giảm 23% trong quý 2, giá vàng đang có chiều hướng tạm chững lại khi chưa có thêm thông tin kinh tế Mỹ quan trọng nào được công bố.

Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng có thể giảm mức độ bất ổn cho tới thứ Sáu tuần này khi Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê được chờ đợi nhất tuần là báo cáo việc làm tháng 6. Ngày mai (4/7), thị trường Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh, nên khả năng giá vàng thế giới sẽ ít thay đổi.

Vàng tiếp tục chịu sức ép giảm giá do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm chương trình nới lỏng. Trong khi đó, lực mua vàng vật chất của khu vực châu Á vẫn ở mức thấp, không đủ sức tạo ra cho giá vàng lực hồi phục mạnh như sau đợt giảm hồi trung tuần tháng 4.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức dưới 1,3 USD/Euro, từ mức hơn 1,3 USD/Euro vào sáng qua.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York lúc gần 10h giờ Việt Nam là 101,83 USD/thùng, tăng 2,23 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua. Giá dầu thô tăng mạnh là do biểu tình ở Ai Cập khiến giới đầu tư lo ngại bất ổn sẽ lan rộng ở Trung Đông, nơi được xem là “vựa” dầu của thế giới.


Theo VnEconomy - TH