Chuối tiêu hồng – Cây trồng mới cho vùng đất cao cưỡng

07/05/2013 10:16

(Baonghean) Chuối tiêu hồng được biết đến là giống chuối đặc sản, ngày xưa thường được dùng để cung tiến cho vua chúa với nhiều ưu điểm so với giống chuối khác. Đặc biệt trong thời gian qua, giống này đã được Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn, phục tráng và nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, cho thu hoạch sau 12-14 tháng, năng suất cao gấp 1,5-1,7 lần các giống chuối thông thường.

Mô hình thâm canh chuối tiêu hồng được thực hiện ở các tỉnh phía Bắc đã cho kết quả thành công, lãi 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn. Nghệ An là tỉnh có truyền thống trồng chuối lâu đời với đa dạng các giống như: chuối tiêu, chuối ngự…, tuy nhiên diện tích trồng còn rải rác trong các vườn hộ gia đình, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, chưa tìm được giống chuối tốt mang hiệu quả kinh tế thực sự. Vì vậy, việc xây dựng mô hình trồng chuối tập trung, chọn được giống chuối mang lại hiệu quả cao như chuối tiêu hồng ở các tỉnh phía Bắc đang là sự quan tâm của bà con nông dân.

Được sự giúp đỡ của Sở KH và CN, dự án “Ứng dụng TBKHCN xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng tập trung tại Nghệ An” đã được Trạm Giống cây trồng công nghệ cao triển khai thực hiện với mục tiêu: Tiếp nhận, hoàn thiện công nghệ nhân giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và kỹ thuật trồng thâm canh chuối tiêu hồng phù hợp điều kiện tỉnh Nghệ An; Ứng dụng quy trình kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cây giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh chuối tiêu hồng ở vùng dự án đạt năng suất và thu nhập cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, nhất là trên những chân đất cao cưỡng.

Sau 2 năm triển khai (2011-2013), dự án đã đem lại một số kết quả tích cực. Với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu rau quả, Trạm Giống cây trồng công nghệ cao (CNC) đã tiếp nhận và hoàn thiện công nghệ nhân giống chuối tiêu hồng bằng công nghệ cấy mô tế bào thành công, gồm: quy trình công nghệ nhân giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào giai đoạn trong phòng thí nghiệm và quy trình công nghệ vườn ươm cây chuối tiêu hồng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (quy trình công nghệ chăm sóc cây invitro giai đoạn vườn ươm cấp I, II), có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Nghệ An. Từ đó, Trạm đã chủ động tạo nguồn giống sạch bệnh, độ đồng đều cao, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu sản xuất.



Mô hình trồng chuối của hộ ông Hồ Xuân Dự - xã Thượng Sơn - Đô Lương.

Dự án đã chọn triển khai trồng với diện tích 5 ha tại xã Đại Thành - huyện Yên Thành và xã Thượng Sơn - huyện Đô Lương. Trong thời gian triển khai mô hình, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống tận nơi hướng dẫn các hộ nông dân phương pháp trồng, chăm sóc chuối, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Năng suất và hiệu quả kinh tế thực tế từ mô hình cho thấy, với các vùng đất cao cưỡng, sản xuất lúa và hoa màu không có hiệu quả, nhưng trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô với các biện pháp kỹ thuật thâm canh vẫn cho năng suất rất cao (từ 30,6-35,7tấn/ha). Qua thời gian triển khai trồng thử nghiệm, cây chuối cấy mô khá thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở 2 địa điểm xây dựng mô hình, tỷ lệ chết sau trồng thấp, cây phát triển tốt. Từ cây giống cấy mô chỉ cao 20cm, sau khoảng 10 tháng cây cao khoảng 1,5m và bắt đầu cho thu hoạch.

Quy trình kỹ thuật trồng chăm bón không quá phức tạp: đào hố trồng (40x40cm), nước tưới đủ ẩm, không cho úng ngập, chuối phát triển đều, xanh tốt, trung bình đạt 7 nải/buồng với cân nặng 20-30kg. Do giống chuối tiêu hồng được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô nên có ưu điểm hơn so với giống chuối tiêu thông thường là sạch bệnh hơn, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, thời gian sinh trưởng ngắn (9-10 tháng).

Đặc biệt, giống chuối tiêu hồng khi chín để được lâu từ 10-15 ngày, không bị thâm, nát, rất thuận tiện cho các tư thương mua bán, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm; thời gian cho thu hoạch trung bình: 12-13 tháng. Gia đình ông Hồ Xuân Dự (xã Thượng Sơn - Đô Lương) là chủ mô hình tham gia dự án trồng chuối tiêu hồng trên diện tích rộng 2 ha, cho biết: Giống chuối tiêu hồng dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, thích nghi với điều kiện bất thuận của thời tiết, chỉ cần một số kỹ thuật cơ bản, đủ nước và chăm bón dinh dưỡng đầy đủ là cây khoẻ mạnh và phát triển nhanh. Cây chuối tiêu hồng cho quả quanh năm, mẫu mã quả đẹp, chất lượng ngon, ngọt, giá bán chuối tại vườn từ 6000-7000 đồng/kg, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Hiệu quả trực tiếp từ mô hình trồng chuối cho thu nhập trên 130 triệu đồng/ha.

Trong thời gian triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng tại 2 địa điểm, mô hình đã được không ít người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận tới tham quan, học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó cho thấy, người dân rất quan tâm với sự thành công của dự án và hiệu quả kinh tế mang lại từ giống chuối này. Chuối tiêu hồng hiện đang là sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là Trung Quốc) rất ưa chuộng. Vì vậy, việc mở rộng diện tích trồng chuối tập trung sẽ tạo được khối lượng sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, việc điều chỉnh mùa vụ để có sản phẩm tiêu thụ trong dịp tết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để dự án phát triển và có tính lan rộng hơn nữa, cần tiếp tục được sự quan tâm của các cấp các ngành, mở ra hướng chuyên canh tập trung mang tính hàng hóa và đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Từ những kết quả trên, có thể nói việc đưa giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô tế bào trồng tại Nghệ An là một hướng đi mới và đúng đắn, được đông đảo người dân địa phương đồng tình, hưởng ứng. Sự thành công của dự án sẽ góp phần thay đổi phương thức tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất cao cưỡng và đất đồi thấp, tạo việc làm, cải thiện đời sống người lao động nhằm phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.


Thanh Hoa (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học)