Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn bứt phá vươn lên

19/06/2013 17:41

(Baonghean) - Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng vẫn có những cuộc bứt phá ngoạn mục, những trăn trở chuyển động, những tính toán cho tồn tại hôm nay và cả những định hướng phát triển về sau của các doanh nghiệp. Trong khủng hoảng kinh tế hiện nay, sức mua co hẹp lại, nhưng điều quan trọng là không phải không có hoạt động của thị trường.

Hiện nay, thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới, người tiêu dùng đang hướng đồng tiền vào các nhu yếu phẩm thiết yếu, họ mua các mặt hàng không thể không mua. Đây là một nhận định quan trọng giúp các doanh nghiệp định hướng, xoay xở, quay về sản xuất các mặt hàng thiết yếu, có thị trường tiêu thụ, không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả lâu dài về sau. Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng về các nhu yếu phẩm. Trong thời điểm kinh tế sa sút, khủng hoảng, sức cầu nội địa có thể thấp nhưng nhiều mặt hàng vẫn có đất sống. Việc chuyên sâu vào những lĩnh vực có thế mạnh, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu giá rẻ đang là một hướng đi của nhiều doanh nghiệp.

Trong xu thế cạnh tranh sản xuất mặt hàng thiết yếu, giới đầu tư liên tục nhận được thông tin về các hoạt động thâu tóm, mở rộng sản xuất của các tập đoàn kinh tế và một số doanh nghiệp. Chẳng hạn, tháng 2/2013, Masan Consumer (một công ty con của Công ty MSN) đã bỏ ra 171 tỷ đồng mua lại 24,9% cổ phần trong Công ty nước khoáng Vĩnh Hảo, nắm giữ 62% cổ phiếu của Công ty này. Trước đó, Công ty MSN đã thâu tóm công ty Vinacafé Biên Hòa, Công ty Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty Bia giải khát Phú Yên. Như vậy ta thấy, trong khủng hoảng, Tập đoàn kinh tế MSN đã quay về, xoay xở thâu tóm các công ty sản xuất các mặt hàng thiết yếu. MSN không chỉ đứng vững mà còn phát triển, bành trướng mạnh mẽ trên thị trường nội địa.

Cũng như vậy, tập đoàn kinh tế GMD từ lĩnh vực kinh doanh giao nhận vận tải đang có chiều hướng thua lỗ, đi xuống, đã năng động đổi hướng, quay sang lĩnh vực trồng cao su ở Campuchia. Một số ngân hàng như NBB, SHB nhảy vào việc khôi phục lại các doanh nghiệp thủy sản, các công ty sản xuất bánh kẹo, đồ uống, da giày, dệt may… Các doanh nghiệp trong ngành sữa lại đang tập trung hết nguồn lực để củng cố, phát triển và đa dạng hóa các mặt hàng trong sản xuất kinh doanh. Vinamilk, TH Truemilk đang chuẩn bị hoàn thành nhà máy, đầu tư phát triển đàn bò, mở rộng diện tích trồng cỏ , giữ vững vị trí và thị phần sữa tươi của mình trên thị trường.

Trái với tình cảnh ôm vốn, thu hẹp hoặc lo giữ quy mô sản xuất hiện tại của một số doanh nghiệp nhỏ lẻ, các ông lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, BIDV, Sacombank, SHB, nhân dịp này đã mang dịch vụ của mình sang các nước trong khu vực, kể cả thị trường mới như Nhật, Myanmar. HAG đang đẩy mạnh dự án kinh doanh bất động sản hàng trăm triệu đô ở cố đô Yangon của Myanmar nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh nhà đất, văn phòng, nhà ở tại cố đô này. Công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát dùng chiến lược đầu tư tại Lào (nhân công giá rẻ) để sản xuất và bán túi nhựa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời cũng mở nhà máy tại Hải Dương để sản xuất mặt hàng này bán sang Nhật. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như VNR, FPT, PVN, GMD… đang hướng sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

Nói tóm lại, lường trước khả năng khó khăn kinh tế còn kéo dài, các doanh nhân, doanh nghiệp đã và đang xoay xở đủ cách để tự cứu mình. Có hai hướng đi chính là hướng nội và hướng ngoại. Với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp trên thị trường nội địa và các mặt hàng tiềm năng, đón đầu cho sự phát triển lâu dài về sau, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đã có một bước đi ban đầu để đặt chân lên thị trường thế giới. Trong thử thách nghiệt ngã của thời điểm kinh tế khủng hoảng, chúng ta vui mừng nhận thấy, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vật lộn để tồn tại mà nhiều doanh nghiệp đã vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh thực tế đầy khó khăn của cuộc khủng hoảng, giữ vững và tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường đưa nền kinh tế tiến lên…


Thạch Quỳ