Một thời thanh niên xung phong
(Baonghean) - Trong suốt 15 năm binh nghiệp thời chống Mỹ, tôi có 5 năm liên tục ở bộ đội pháo phòng không, nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ giao thông trên các tuyến đường thuộc Quân khu 4 và nước bạn Lào. Vì vậy, tôi biết được một số đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) trên các tuyến đường đơn vị từng hợp đồng tác chiến. Cũng như chúng tôi, tuổi đời 17, 18 phần lớn là nữ (nam đã vào bộ đội hết). Các tỉnh tổ chức thành đội hoặc tổng đội, hành quân đến những con đường giao thông huyết mạch được phân công. Chỗ nào cũng đầy gian khổ, hy sinh: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hoàng Mai, cầu Cấm, Bến Thủy, sông Gianh, đèo Đá Đẽo… Họ lập được nhiều chiến công, những kỳ tích anh hùng ai có thể viết hết được!
Giữa năm 1968, trước những thất bại nặng nề, kẻ địch phải hạn chế đánh phá miền Bắc. Đơn vị tôi được lệnh tiến sâu hơn để tìm địch mà diệt. Dọc đường hành quân theo tuyến đường Trường Sơn, chỗ nào cũng gặp đông đảo TNXP. Các cô hồn nhiên, vui đùa thăm hỏi với cánh bộ đội pháo binh chúng tôi.
Đến Khe Ve, Khe Tang, trên trục đường 12A, Đội TNXP 759 phần lớn quê Quảng Bình đã chốt và chiến đấu ngày đêm, cô nào cũng vui tươi, dịu dàng. Cô Huế đã được tuyên dương anh hùng trong tập thể này. Đơn vị vừa kết nghĩa, động viên nhau công tác, chiến đấu, trở nên thân thương. Chừng một tháng, lại được lệnh bí mật kéo pháo vào làng Ho (nay là xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Biết được chúng tôi lên đường, nhiều cô gái đã khóc.
Núi rừng trùng điệp, con đường 16 quanh co, uốn lượn bên các khe suối, chân đồi rồi chìm vào các rừng già. Đang vất vả, bí mật âm thầm triển khai thì bất ngờ cả Đội TNXP 734 đến giúp đỡ. Các cô gái cũng đón xe pháo của chúng tôi vào trận địa. Vui vẻ, quên hết mọi mệt nhọc chặng đường hành quân xa. Các cô gái đã dọn đường, dọn ngầm, làm kho cho binh trạm…
Suốt nửa năm, ở đây ngày đêm trời đầy mây mù và mưa. Áo quần, ba lô đồ đạc của mọi người ướt hết. Nấu ăn phải đào bếp Hoàng Cầm. Áo quần chưa kịp khô, đầy mùi khói đã mặc. Ai cũng có mùi hôi hám, người đầy ghẻ lở, nạn sốt rét hoành hành.
Thấy chị em cực nhọc, cán bộ chiến sỹ chúng tôi rất thương. Tình thương như những người ruột thịt. Cho chị em mượn quần áo mặc. Bên kia dòng suối, nước chảy ầm ào là lán của TNXP, ẩn mình dưới rừng cây. Phía bên này con đường là trận địa của chúng tôi ngày đêm bí mật chờ địch. Hàng ngày, các cô đi làm qua đều có tiếng cười, câu đùa vui vẻ. Lại những câu hò cất lên:
Ơ hò, thương anh trong dạ vô cùng
Trèo Truông quên mệt, ngậm gừng cay quên cay.
Phía bộ đội cũng đáp ngay:
Ơ hò, bây giờ ta gặp nhau đây,
Cho anh thưa mẹ, xin thầy chưa được chưa?
Phụ nữ trẻ, họ làm cái gì cũng xong, đánh tranh, dựng nhà, sửa chữa cuốc xẻng, mổ bò, mổ lợn… Khi chúng tôi làm giúp, thì họ lại hái rau rừng, hoa chuối, bẻ măng… đưa đến bếp cho chúng tôi cải thiện.
Có một lần, 2 cô (Tính và Nhật, quê Hoằng Hóa – Thanh Hóa) vừa điều trị sốt rét ở tuyến trên trở về đơn vị, phải bám vào dây song được buộc sẵn vào hai bờ để qua. Đến giữa dòng, nước chảy xiết, cả hai đều tuột tay bị dòng nước cuốn đi. Tôi cùng một đồng chí nuôi quân ào xuống dòng chảy cứu được họ thoát chết. Lần ấy, chúng tôi được trung đoàn biểu dương, khen ngợi.
Nửa thế kỷ trôi qua, lứa TNXP chống Mỹ cứu nước, nếu an toàn cũng đã thành mẹ, thành bà, thỉnh thoảng gặp lại những người khổ vì quá lứa lỡ thì – không chồng không con, không có nơi nương tựa, còn mang trong mình đầy bệnh tật. Nghĩ về họ, tôi rất chạnh lòng và không nguôi nhớ đến những chị em đã một thời lăn lộn vì Tổ quốc. Tám cô gái Quảng Bình, tôi không nhớ tên. Nhưng trong những giấc mơ ngày nay, tôi vẫn ước gì được gặp lại để cảm thông, chia sẻ, ôn lại một thời tuổi trẻ TNXP chống Mỹ cứu nước!
Đặng Sỹ Ngọc (TP. Vinh)