Cảnh giác với thủ đoạn giả bắt cóc tống tiền

03/07/2013 19:01

Ngay sau khi nhận được điện thoại thông báo người thân bị bắt cóc, nhiều người đã hốt hoảng chuyển tiền cho đối tượng gọi điện mà không ngờ rằng đó chỉ là một chiêu thức lừa đảo mới.

Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội vừa lật tẩy thủ đoạn lừa đảo mới hết sức tinh vi. Theo đó, nhóm đối tượng lừa đảo sau khi tìm hiểu thông tin về gia đình nạn nhân sẽ gọi điện đến số máy cố định của cơ quan hoặc nhà riêng nạn nhân, thông báo đang bắt giữ người thân của họ để đòi nợ. Để người thân được tha, các nạn nhân phải đưa trực tiếp hoặc chuyển khoản một số tiền cho chúng.

Để khiến nạn nhân thêm sợ hãi, qua điện thoại, chúng còn cho họ nghe văng vẳng tiếng người thân của mình kêu cứu. Trong lúc hốt hoảng, nhiều người đã không còn đủ tỉnh táo để kiểm tra lại sự việc mà lập tức làm theo yêu sách của chúng. Đến khi giao tiền xong, họ mới biết là mình đã bị lừa.

Từ đầu tháng 6/2013 đến nay, cơ quan CA đã tiếp nhận được đơn trình báo của 6 trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn trên. Trong số này, có 4 trường hợp các nạn nhân đã chuyển tiền cho nhóm đối tượng lừa đảo với số tiền từ 20 đến 50 triệu đồng.

Cụ thể, vụ đầu tiên xảy ra ngày 3-6., nạn nhân là chị N.T.H (quận Tây Hồ, Hà Nội) khi đang làm việc tại cơ quan thì nhận được điện thoại gọi đến với nội dung đe dọa, đang bắt giữ con trai chị vì đã nợ chúng tiền. Đối tượng yêu cầu chị H. phải nộp 500 triệu đồng. Theo hướng dẫn của chúng, chị H. đã chuyển trước 20 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng. Nộp tiền xong, chị trấn tĩnh lại, gọi điện thoại cho con trai mới biết bị lừa.

Bà V.T.S (quận Ba Đình, Hà Nội) là bị hại bị lừa số tiền lớn nhất. Khoảng 9h ngày 26-6, bà S. nhận được điện thoại của một đối tượng gọi đến nhà, nói đang khống chế con trai bà vì nợ chúng 500 triệu đồng.

Chúng yêu cầu bà phải đưa trước 50 triệu đồng, địa điểm giao tiền tại khu vực bến xe Kim Mã. Tiếp đó, bà lại bị các đối tượng đe dọa và bắt nộp thêm 50 triệu đồng.

Theo một điều tra viên, có trường hợp nạn nhân vẫn đủ tỉnh táo gọi điện thoại kiểm tra người thân của mình đang ở nước ngoài nhưng do đầu dây bên kia đang bận nên vẫn sập bẫy. Cũng không loại trừ trường hợp sau khi gọi điện tống tiền, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện vào số của người thân nạn nhân để tạo tình huống máy bận.

Để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo trên, cơ quan CA khuyến cáo người dân khi nhận điện thoại với nội dung nặc danh, tống tiền phải bình tĩnh để kiểm tra thông tin, đồng thời thông báo ngay với cơ quan CA nơi gần nhất


Theo HNMO- TH