Kinh doanh xăng dầu ai hưởng lợi?
(Baonghean) - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2012, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 978 tỷ đồng, kinh doanh khác của khối xăng dầu đạt trên 599 tỷ đồng, trong tổng số lợi nhuận sau thuế 772 tỷ đồng, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu đạt 125 tỷ đồng. Với tổng giá trị tài sản 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận đó không hề nhỏ. Dư luận đặt câu hỏi: Ngành Xăng dầu thường xuyên kêu lỗ, sao lại có lợi nhuận lớn như vậy?
Phải chăng, trong ngành kinh doanh đặc biệt này đang có chuyện lời thật, lỗ giả. Năm 2012, giá xăng trong nước thay đổi 12 lần, trong đó 6 lần tăng tổng cộng 6.050 đồng/lít, 6 lần giảm tương đương 3.700 đồng/lít. Lấy số tăng trừ đi số giảm thì năm 2012 ngành Xăng dầu vẫn tăng được 2.350 đồng/lít xăng so với năm 2011, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Mỗi lần giá xăng dầu thế giới giảm là liên Bộ Tài chính - Công Thương lại quy định cụ thể mức giảm giá xăng dầu; khi giá xăng dầu thế giới tăng lập tức Tập đoàn xăng dầu báo cáo lỗ để tăng giá. Số tiền tăng giá bao giờ cũng cao hơn số tiền giảm giá. Chẳng hạn, trong tháng 4/2013 giảm giá xăng 3 lần với tổng số giảm hơn 1.200 đồng/lít nhưng vẫn chưa bằng lần tăng giá xăng gây “sốc” ngày 28/3/2013 với mức tăng 1.430 đồng/lít, đẩy giá xăng lên kỷ lục 24.550 đồng/lít. Với mạng lưới kinh doanh xăng dầu độc quyền trong phạm vi cả nước, không ai kiểm soát được giá thực tế trên thị trường, làm cho giá xăng dầu diễn biến khó hiểu. Ngành Xăng dầu thường xuyên phát đi thông tin kinh doanh thua lỗ, khi phải giảm giá kêu lỗ đã đành, khi được phép tăng giá cũng kêu lỗ. Mối quan hệ giữa giá thành xăng dầu với kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính hàng năm của Ptrolimex đều thể hiện sự mâu thuẫn “tiền hậu bất nhất”. Dư luận cho rằng, phải có kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong đó phải công khai bảng cân đối lỗ - lãi thật cụ thể mới có thể tin được. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thì việc giá xăng dầu diễn biến khó hiểu là do tính không chuyên nghiệp của bộ máy công quyền trong quản lý xăng dầu và do sự thiếu trách nhiệm của những người nắm công cụ giám sát giá xăng dầu. Sự thiếu trách nhiệm này đã vô tình tiếp tay cho các doanh nghiệp đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh mặt hàng đặc biệt thiết yếu này.
Với phương thức kinh doanh xăng dầu như hiện nay thì ai là người được hưởng lợi? Ngành Xăng dầu hoàn toàn chủ động tăng giá không bị ràng buộc bởi cơ chế thị trường, đã đem lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác thì mỗi lần tăng giá xăng dầu đều lao đao, không ít doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng. Xăng dầu tăng giá kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu làm cho đời sống nhân dân càng thêm khó khăn. Tính không minh bạch trong kinh doanh xăng dầu là vấn đề dư luận đang bức xúc. Mỗi lần tăng giá, số lượng xăng dầu mua theo giá cũ còn tồn kho rất lớn, riêng sự chênh lệch này đã đem lại nguồn lợi lớn cho ngành Xăng dầu.
Doanh nghiệp cũng như người dân khi mua xăng dầu chỉ biết nhìn số đo trên đồng hồ để trả tiền, không kiểm soát được giá cả thực tế như thế nào. Đó là chưa nói hiện tượng tiêu cực đã từng xẩy ra tại các cây xăng được báo chí phản ánh như lắp chíp điện tử, sửa lại kẹp chì để ăn bớt xăng của khách hàng. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt thiết yếu, vừa đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định giá cả trên thị trường. Kinh doanh xăng dầu trong cơ chế độc quyền như hiện nay, nếu chỉ một mình ngành Xăng dầu hưởng lợi thì vừa không đảm bảo công bằng xã hội vừa ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
TRẦN HỒNG CƠ