Bộ phim đậm sắc làng quê Việt Nam
(Baonghean) - Tên phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” gợi nhớ lời của một câu ca dao xưa về niềm vui hy vọng của người nông dân chờ mong vào mùa gặt hái tháng Mười. Hạt thóc trĩu nặng trên tay, trải qua biết bao giông bão, mặn mòi và sự hy sinh để được mùa vàng. Bên cạnh sự hy sinh, dũng cảm dễ thấy ở ngoài tiền tuyến khi đối mặt với quân thù, còn có sự hy sinh thầm kín và cao cả của những tấm lòng hậu phương, những người vợ, người mẹ, ngỡ như rất nhỏ bé nhưng lại chính là cái sức sống mãnh liệt và sâu xa để làm nên chiến thắng. Đó là những điều tác giả kịch bản, dạo diễn Đặng Nhật Minh muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Không có những sự kiện lớn lao, những tình tiết ly kỳ và xung đột gay gắt. Phim kể lại một câu chuyện giản dị và cảm động: Duyên nhận được tin Nam - người chồng yêu thương đã hy sinh ngoài mặt trận. Kìm nén nỗi đau riêng, cô lặng lẽ giấu “bặt” tin đó với gia đình và làng xóm, chủ yếu vì người bố chồng đã già đang ốm nặng và một phần vì còn một chút hy vọng mong manh, le lói ở đâu đó trong cô. Nhưng do tình cờ, anh giáo Khang dạy học ở trường làng cũng biết chuyện, cảm động trước tấm lòng cao cả, sự hy sinh thầm lặng của Duyên, thầy giáo Khang đã tham gia vào việc làm của Duyên, dù là trở thành “tác giả” của những bức thư gửi về từ đơn vị.
Bị hiểu nhầm, Khang phải đổi đi trường khác. Đơn vị cử người về báo tin Nam hy sinh giữa lúc người bố già đang hấp hối... Cốt truyện đã giản dị, cảnh vật trên phim cũng rất dân dã, mộc mạc. Con đò với dòng sông, cây đa với mái đình, làng nhỏ ven sông và đêm chèo “Trương Viên”, một mái nhà tranh đơn sơ, một cánh đồng, một mái trường làng, con đê với cánh diều no gió... là những suy nghĩ sâu sắc và cảm xúc tinh tế, đằm thắm của đạo diễn về sự hy sinh lặng lẽ của Duyên, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu của Duyên và Nam được tác giả lột tả thật ý nghĩa và trong sáng biết bao. Phim đặt ra điều suy nghĩ về trách nhiệm của người đang sống đối với người đã nằm xuống vì dải đất này. Mặt khác, những người đang sống hãy yêu thương nhau, có trách nhiệm với nhau hơn vì người đã mất. Chính vì thế mà lý tưởng về cái đẹp trong phim có ý nghĩa hiện thực xã hội bền vững và đạo đức sâu sắc.
Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”.
Thành công của phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” qua hệ thống các hình tượng nhân vật được thể hiện sinh động, khá đồng đều. Đặc biệt, hình tượng Duyên (do Lê Vân đóng), là nhân vật chính của phim đã có sức lôi cuốn và chinh phục khán giả bởi giá trị chân thật của nó về một con người, một cảnh ngộ, một số phận có thật trong cuộc đời. Tính cách nhân vật được vận động theo hướng tiếp nối và phát triển. Duyên trong sáng hồn nhiên trong tình yêu tuổi trẻ, nhưng lại trầm tĩnh lo toan, chu tất đối với gia đình khi được tin chồng mất, hồn hậu và chan chứa tương lai trong buổi đưa con đến tựu trường thấp thoáng lá cờ đỏ bay phấp phới trên cánh đồng tháng mười trĩu hạt...
Những phát triển này phù hợp với lô - gic đời sống và tâm lý. Thế giới nội tâm của tính cách được chú ý khai thác từ nhiều góc độ khác nhau: hành động, diễn xuất, các quan hệ, hồi tưởng... kể cả những giấc mơ và ảo giác đã khiến cho tính cách đạt được sự sâu sắc. Duyên vừa mang nét chung nhưng rất điển hình của người phụ nữ Việt Nam: yêu chồng, thương con, đảm đang chung thủy, giàu tình thương... vừa có một gương mặt đời sống rất riêng, không thể lẫn lộn. Với tài năng diễn xuất tự nhiên và khả năng thể hiện nội tâm của Lê Vân, Duyên đã giành được vị trí xứng đáng xuất sắc của điện ảnh Việt Nam.
Phim có một kết cấu chặt chẽ, vừa tập trung vừa hài hòa giữa con người và cảnh vật thiên nhiên, giữa sinh hoạt đời sống và tâm lý, giữa hiện thực hàng ngày và lãng mạn thi ca... Những hồi tưởng, giấc mơ và ảo giác được sử dụng phù hợp với quy luật của đời sống và tâm lý đã mang lại hiệu quả thẩm mỹ tích cực của tác phẩm. Đó là ảo giác “Thành hoàng”, một hình tượng có ý nghĩa tượng trưng cho truyền thống đánh giặc cứu nước của cha ông, của quê hương làng xóm, là lời nhắn nhủ của lịch sử với thế hệ hôm nay. Giấc mơ đoàn viên dưới “chợ âm dương” ở khía cạnh nào đó là một ước mơ trong trẻo của hạnh phúc lứa đôi, là bài ca về tình yêu bất tử.
Trường đoạn nổi tiếng về phiên chợ âm dương.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh có lần đã tâm sự rằng anh muốn qua bộ phim để đạt được cái gì đó thật là dân tộc, thật Việt Nam. Mong muốn của anh đã biến thành sự thật từ cái nơi xẩy ra câu chuyện, một làng quê quen thuộc, gắn bó tự bao đời với cảnh trí thiên nhiên bình dị và thơ mộng, từ những con người ngỡ bắt gặp hàng ngày, giản dị, hay lam hay làm, nặng tình làng xóm. Từ những tâm hồn kín đáo, lặng lẽ hy sinh, giàu lòng nhân ái... tất cả đều rất đậm nét màu sắc hương vị Việt Nam. Có thể nói tính dân tộc đã trở thành “cốt cách” chính của “Bao giờ cho đến tháng Mười”, xuyên suốt và hòa tan trong phim trên cả các phương diện từ đề tài, chủ đề tư tưởng, đến kết cấu cốt truyện, hình tượng và diễn xuất diễn viên.
“Bao giờ cho đến tháng Mười” là một bộ phim truyện hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng với những giải thưởng danh giá được trao tặng: Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam năm 1989; Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHPQT Hawai Mỹ - 1987 và gần đây được kênh truyền hình Mỹ (CNN) bầu chọn là 1 trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Cùng với các phim: “Chung một dòng sông”; “Cánh đồng hoang”; “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”.., trở thành những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)