Điểm sáng Thuận Sơn
(Baonghean) - Được huyện Đô Lương chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ Thuận Sơn tập trung lãnh đạo chỉ đạo trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các tiêu chí, bộ mặt nông thôn đang ngày càng đổi mới.
Điều dễ nhận thấy khi về Thuận Sơn (Đô Lương) bây giờ là nhiều tuyến đường được bê tông hóa thay những con đường đất nắng bụi, mưa lầy. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông dài hơn 5km nối dài từ trung tâm xã đến các xóm, ra vùng bãi của xã, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, ông Trần Doãn Quý cho biết: “Để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, Đảng bộ Thuận Sơn xác định, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc quy hoạch và xây dựng đề án NTM đảm bảo chất lượng, triển khai từng bước, hiệu quả các tiêu chí; thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng các vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; xây dựng hạ tầng thiết yếu. Mọi chủ trương của Đảng bộ, chính quyền đều được công khai, dân chủ”.
Là một xã khó khăn, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM là điều không dễ. Đảng bộ Thuận Sơn xác định, trước mắt tập trung thực hiện giao thông, thủy lợi nội đồng. Giao thông nông thôn phải đi đầu, tạo động lực, tiền đề để hoàn thành các tiêu chí khác. Trên cơ sở đó, xã đã xây dựng lộ trình, khảo sát, lập quy hoạch phấn đấu đến năm 2015, Thuận Sơn đạt xã NTM. Nghị quyết của Đảng bộ xã về làm đường giao thông được Đảng bộ triển khai xuống các chi bộ thôn, cùng nhân dân thảo luận, bàn bạc dân chủ công khai để đi đến thống nhất; cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, sau đó các thôn đồng loạt phát động nhân dân ra quân xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong năm 2012, Thuận Sơn tập trung công tác GPMB, mở rộng đường theo đúng quy chuẩn. Trong quá trình triển khai có vướng mắc ở đâu, cán bộ giải thích để nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là làm cho bộ mặt của nông thôn đổi mới, phát triển.
Đường giao thông của xã Thuận Sơn được đầu tư nâng cấp nhờ sự đồng thuận của người dân.
Trong 2 năm qua, Thuận Sơn đã vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, xây dựng 5km đường giao thông liên thôn, đồng thời làm tốt công tác chỉnh trang đồng ruộng với tổng kinh phí toàn xã đóng góp trên 2 tỷ đồng và trên 4.600 ngày công; đồng thời nhân dân đã hiến đất, hiến của xây dựng NTM với tổng số hiện vật được quy đổi thành tiền gần 800 triệu đồng. Điển hình nhân dân xóm 7 đã hiến đất, cây cối, tự tháo dỡ bờ rào làm 540m đường bê tông; xóm 6 ngoài động viên đóng góp ngày công, hiến đất còn vận động nhân dân đóng góp thêm 22 triệu đồng để hoàn thành 330m đường bê tông; xóm 4 vận động người dân đóng góp gần 23 triệu đồng đầu tư đổ cấp phối trên đoạn đường dài 270m. Xóm 7 phấn đấu trở thành xóm đi đầu toàn xã thực hiện tốt các tiêu chí NTM”. Đồng chí Hồ Đình Quang - Bí thư, Xóm trưởng xóm 7 Thuận Sơn: “Thực hiện tốt công khai, dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nên khi phát động phong trào làm đường giao thông thôn xóm cán bộ, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Xây dựng nông thôn mới trên lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh nghề truyền thống duy nhất là trồng dâu nuôi tằm nhưng đã bị mai một, đa số diện tích canh tác của xã đều nằm ngoài đê, hàng năm hay bị ngập lụt… nên điều trăn trở của lãnh đạo xã Thuận Sơn là lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trong 2 năm qua, xã đã phối hợp với các ban, ngành mở được 3 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân, tổ chức được 35 buổi chuyển giao KHKT về công tác phòng trừ sâu bệnh, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trên cơ sở đó, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi 45ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang làm màu, áp dụng cơ chế hỗ trợ 200 ngàn đồng/sào lạc, 300 ngàn đồng/sào bí; đưa các giống cây có năng suất hiệu quả kinh tế hơn vào trồng. Nhờ đó nhiều cánh đồng ở Thuận Sơn đã cho thu nhập cao, bình quân 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, để phát huy lợi thế của xã có diện tích vùng bãi lớn, Thuận Sơn đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi bò thương phẩm và bò sinh sản. Xã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội bảo lãnh cho người dân, nhất là hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi.
Nhờ vậy, tạo nên phong trào phát triển chăn nuôi bò ở Thuận Sơn, bình quân mỗi hộ nông dân ở xã chăn nuôi từ 3 - 5 con bò, có hộ nuôi hàng chục con, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mặt khác, để khuyến khích thương mại, dịch vụ phát triển, Đảng bộ Thuận Sơn đã có chủ trương nâng cấp, xây dựng chợ truyền thống của địa phương với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Chợ truyền thống của xã đi vào hoạt động đã kéo theo các dịch vụ khác cùng phát triển. Chợ Thuận Sơn trở thành đầu mối buôn bán phục vụ vùng lân cận và cả một số xã của huyện Thanh Chương, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Từ một xã khó khăn, thuộc vào tốp cuối của huyện, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền, Thuận Sơn đã có bước chuyển rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 27% năm 2010 xuống 10,3% năm 2012, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, xã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đến năm 2012, Thuận Sơn được xếp loại tốp đầu (thứ 5) của huyện Đô Lương.
Thanh Lê