Tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng – vì đâu?

12/06/2013 14:51

(Baonghean) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm nhiều người chết và bị thương.

Mới đây nhất, vào 14 giờ 30 ngày 9/6/2013, tại huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), chiếc xe tải 72 L – 2354 phóng tốc độ cao, lấn đường đã tông mạnh vào 3 xe máy đi ngược chiều làm cả 6 người thiệt mạng. Đúng vào thời điểm này tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), một xe khách sau khi đâm vào một xe máy đang lưu hành trên đường đã loạng choạng lật nhào xuống ruộng làm 7 người trên xe bị thương nặng, gây ùn tắc giao thông nhiều giờ liền.

Cũng ngày trên, tại xã Điện An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), xe khách Mai Linh 30X 8957 sau khi “xô ngã” 20 mét lan can thép đã lao xuống một hố sâu bên vệ đường. Hậu quả, 3 người chết và 30 người khác bị thương. Vào hồi 9 giờ 50 phút ngày 7/6/2013, trong khi đổ đèo Hòn Giao – Khánh Lê (tỉnh Khánh Hòa), xe khách 43S 6320 (chở một đoàn giáo viên và người nhà của một trường tiểu học ở Đà Nẵng đi du lịch về) đã lao vào vách núi. Vụ tai nạn kinh hoàng này đã cướp sinh mạng của 7 người, làm bị thương 20 người khác.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng qua (20/12/2012 đến 20/5/2013), trong cả nước đã xảy ra trên 12.053 vụ TNGT làm chết 4.163 người, trên 12.000 người khác bị thương nặng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ và số người bị thương giảm nhưng số người chết lại tăng thêm 28 trường hợp. Trong đó, trên địa bàn Nghệ An để xảy ra 171 vụ làm 120 người chết, 149 người bị thương nặng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ và số người chết đều tăng từ 6 đến 8%.

Trong thời gian gần đây, số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh ta cũng khá nhiều.

Những vụ tai nạn giao thông như vụ một tốp học sinh lớp 12 đang đi xe đạp ở Thị trấn Anh Sơn bị ô tô tải bất ngờ đâm từ phía sau làm 2 em thiệt mạng, 4 em khác phải vào viện cấp cứu xảy ra vào chiều 23/5/2013; vụ ô tô con 37S 0164 đang chạy trên Đại lộ Lê Nin (TP Vinh) bất ngờ lao lên vỉa hè sau khi đâm vào một xe máy đang chạy cùng chiều làm 2 người ngồi trên xe này tử vong tại chỗ xảy ra trước đó không lâu vẫn còn làm kinh hoàng nhiều người dân trong vùng. Ngoài ra còn phải nhắc tới những vụ như để xe tải “không người lái” tự cán lái xe chết xảy ra ở Tân Kỳ hay vụ 2 quân nhân bị tàu hỏa cán trong lúc đi vệ sinh xảy ra ở Diễn Châu cách đây chưa lâu vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Qua những con số cũng như vài ba ví dụ cụ thể trên cho thấy, tai nạn giao thông vẫn đang ở mức báo động và là nguy cơ đe dọa bất cứ ai, bất cứ gia đình nào mỗi khi tham gia giao thông. Dù rằng chúng ta vừa thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012” và đang phấn đấu năm 2013 giảm 10% TNGT với cả 3 tiêu chí.

Thực ra, đoán “bệnh” TNGT không khó, nhưng cái khó là thực hiện biện pháp “điều trị”, điều này không ít địa phương tuy rất nỗ lực nhưng xem ra vẫn cứ loay hoay. Dẫu rằng trên tổng thể các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều “liều thuốc” như tập trung cải tạo và nâng cấp đường sá, triển khai chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; từng bước nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước từ văn bản đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; giáo dục ý thức tham gia giao thông… Đó là chưa nói đến số vụ gây TNGT, số người gây TNGT bị khởi tố, ra tòa cũng không ít. Nhưng xem ra, tình hình đảm bảo an toàn giao thông vẫn không mấy khả quan. Và, điều đó đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội!

Có một điều mà ai cũng dễ nhận thấy và ai cũng coi đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên TNGT đó là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông còn thấp. Tinh thần thượng tôn pháp luật trong mỗi người tham gia giao thông cũng như trong xã hội chưa được đề cao. Không ít người tham gia giao thông bất tuân luật lệ, coi thường tính mạng của người khác và cả chính bản thân mình; sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông... Bên cạnh đó, cũng không ít cán bộ, nhân viên chức năng không làm tròn bổn phận như né tránh, xuề xòa hoặc chỉ chăm chăm vào xử phạt. Đó là chưa nói đến những hiện tượng tiêu cực mà lâu nay dư luận bàn tán như hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu của họ. Những điều này trở thành vấn nạn, thành những căn bệnh trầm kha, có biểu hiện “nhờn thuốc”, đang là thực trạng nhức nhối, gây cảm giác bất an đối với mọi người, mọi nhà.

Trong lúc vấn đề bảo đảm an toàn giao thông gần như còn khoán trắng cho hai ngành Giao thông vận tải và Công an thì trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cấp, số ngành chưa cao. Còn nhớ, hồi tháng 4 vừa rồi, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa xin nhận kỷ luật trước Chính phủ vì để xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trong quý 1/2013. Thậm chí ông sẵn sàng từ chức. Ông cho biết, tất nhiên trước khi từ chức ông sẽ cách chức những người đứng đầu cơ quan cùng chịu trách nhiệm liên quan. Tuy vậy, qua thông tin báo chí chưa thấy một trường hợp nào trong cả nước người đứng đầu bị kỷ luật vì để địa phương mình xảy ra nhiều vụ TNGT. Thế mới biết, ý thức đảm bảo trật tự an toàn giao thông không chỉ kém ở những người dân, những công chức bình thường?


Việt Long