Xu thế tất yếu trong sản xuất
(Baonghean) - Các loại gạo ngon, chất lượng đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, dù phải mua với giá cao. Chọn lựa, sử dụng các giống lúa chất lượng cao được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bởi vậy diện tích lúa chất lượng cao ở tỉnh ta ngày một nhiều…
Là “vựa” lúa của tỉnh, hàng năm lượng lương thực do Yên Thành sản xuất ra là rất lớn. Thế nhưng, nằm trong tình trạng chung, rất nhiều năm người nông dân quê lúa ở trong tình trạng “được mùa, rớt giá”, hạt lúa làm ra một nắng hai sương ế đọng. Những năm gần đây, trong xu thế thị trường ngày càng ưa chuộng các loại gạo có chất lượng cao, chính quyền và người dân Yên Thành đã nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tìm một hướng đi mới, thuận lợi và hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Sỹ Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện) cho biết: Từ 3 năm nay, chúng tôi tập trung chuyển đổi khá mạnh mẽ, đưa các mô hình sản xuất giống chất lượng cao, tạo “đầu ra” thuận lợi vào để bà con thấy, tin và làm theo. Trong đó, chú trọng các giống lúa thuần phẩm cấp và chất lượng tốt như AC5, Bắc thơm số 7, các giống nếp 89, nếp 87, hay Bio 404, lúa lai F1, L25, từng bước đưa vào giống nếp cái hoa vàng mà thị trường đang ưa chuộng. Vụ xuân năm nay Yên Thành gieo cấy 13.209 ha thì trong đó chỉ có 5.600 ha là lúa lai, còn lại là các giống lúa thuần. “Năng suất các giống lúa chất lượng cao đạt khoảng 65 tạ/ha, trong khi lúa lai đạt bình quân 72 tạ/ha, nhưng hiệu quả kinh tế của các giống lúa chất lượng cao vẫn hơn gấp 1,5 lần do giá cao mà đầu ra thuận lợi, hầu hết được các doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm”.
Giống lúa chất lượng cao VTNA2 đang được đưa vào sản xuất trên đồng ruộng Nghi Lộc. Ảnh: V.Đ
Ông Võ Xuân Hồng (xóm 6 xã Hưng Xá- Hưng Nguyên) có 5 sào đất lúa nằm trong cánh đồng mẫu của huyện, vụ xuân vừa qua ông được hỗ trợ hoàn toàn giống lúa. Ngoài để dành sử dụng trong gia đình, ông Hồng vừa mới bán gần 1 tấn lúa Nàng Xuân. Ông vui vẻ cho biết: Vụ xuân năm nay, năng suất lúa không được cao như năm ngoái - chỉ ở mức 2,5- 2,7 tạ/sào, nhưng hiệu quả vẫn cao vì giá lúa từ đầu mùa thu hoạch đến nay đã tăng từ 8.000, rồi lên 9.000 đồng và bây giờ đã lên tới 9.500 - 10.000 đồng/kg, được coi là mức giá “kỷ lục”. Vốn quen gieo cấy các loại lúa lai Trung Quốc, AC5, ông Hồng mới chỉ biết đến giống lúa Nàng Xuân từ 2 năm nay, nhưng ông rất “kết” loại giống lúa này. Bởi theo ông, năng suất lúa Nàng Xuân dù có thấp thua hơn các giống lúa lai, nhưng gạo rất ngon, giá cao mà vẫn không đủ bán cho tư thương. Năm nay hơn 1 tấn lúa Nàng Xuân của ông vẫn được tiêu thụ dễ dàng, giá vẫn cao.
Những năm gần đây, diện tích lúa chất lượng cao ở Hưng Nguyên ngày càng tăng. Phó phòng Nông nghiệp huyện - Hoàng Đức Ân chia sẻ: Nhiều giống lúa chất lượng cao như AC5, Nàng Xuân, HT1, XT28, VTNA2… được đưa vào ngày càng nhiều; nhờ áp dụng tốt các tiến bộ KHKT nên năng suất của chúng thấp thua không đáng kể so vớicác giống lúa lai. Như vụ xuân vừa qua, năng suất lúa lai đạt xấp xỉ 66 tạ/ha, thì các giống lúa thuần chất lượng cao cũng đạt bình quân 59- 61 tạ/ha. Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, giá lúa Khang dân và các giống lúa lai đầu vụ thu hoạch được tư thương thu mua ở Hưng Nguyên với mức giá 5.400 đồng- 5.700 đồng/kg và hiện tại tăng lên khoảng 6.200 đồng/kg; các giống lúa thuần, thậm chí cả lúa lai chất lượng khá như AC5, Nàng Xuân, HT1, XT28, NA2… đều được mua với mức giá hiện tại là 8.000 - 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu mọi năm, các loại nếp ngon 87, DT52 rất khó bán thì năm nay, tư thương đã xuống mua ngay từ khi lúa đang tươi, với mức giá khá cao, 6.800 - 7.000 đồng/kg.
Trong cơ cấu sản xuất, hiện lúa lai vẫn luôn chiếm trên dưới 70%, như vụ xuân 2012, trong tổng diện tích gần 90.000 ha lúa toàn tỉnh chỉ có khoảng 10.000 ha trồng các giống lúa thuần chất lượng cao, cộng thêm gần 1.000 ha các giống lúa lai có chất lượng gạo khá như lúa lai 3 dòng GS9, Bio 404, Nghi Hương 2308... Do đó, chất lượng gạo của Nghệ An nhìn chung thấp hơn hẳn so với các tỉnh, đặc biệt là gạo miền Nam, gạo Thái Lan. Gạo Nghệ An chủ yếu bán cho một số cơ sở chế biến bia rượu, thức ăn gia súc, ít bán được cho người tiêu dùng thành phố.
Trong khi các giống lúa chất lượng cao rất dễ bán và giá cao, thì các giống lúa lai ngày càng ngược lại. Hiện tại, các giống như lúa thuần Khang dân 18, lúa lai Khải phong 1…rất khó bán, nông dân chủ yếu sản xuất để phục vụ chăn nuôi, làm bún bánh, sản xuất thức ăn gia súc. Giá các loại lúa này cũng rất thấp, như vụ xuân năm nay, ở thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa chỉ xấp xỉ 5.000 đồng/kg, trong khi các giống lúa thuần và kể cả lúa lai chất lượng khá như AC5, DT68, GS9, BTE1, DT52, HT1, Bắc thơm số 7 luôn cao hơn từ 3- 4.000 đồng/kg, thậm chí một số giống như Nàng Xuân cao hơn gấp rưỡi. Từ thực tế đó, vụ xuân vừa qua, trong khi kế hoạch của tỉnh đề ra là gieo cấy 10.000 ha lúa chất lượng cao, thì tại các huyện, con số này đã tăng lên trên 20 nghìn ha trong đó: Nam Đàn 2500ha, Đô Lương 1500ha, Nghi Lộc trên 1000ha. Theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT), thì đây là một tín hiệu đáng mừng trong xu thế chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt khi chi phí đầu vào trong sản xuất ngày càng cao, thì làm thế nào để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cho nông dân là đòi hỏi tất yếu. Thực tế, việc chuyển đổi này được người nông dân rất hào hứng đón nhận, do các giống đưa ra đều có ưu thế nổi trội, năng suất khá, chất lượng tốt, giá trị hàng hóa cao nên thuyết phục được người dân. Các giống lúa chất lượng khá, năng suất thấp thua không đáng kể lúa lai như BTE1, Nghi Hương 2308, Quy Sở ưu, GS9 đang giành vị thế. Có thể nói, đó là xu thế tất yếu trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh ta.
Phú Hương