Hanosimex và chủ trương đầu tư mạnh vào Nghệ An

19/07/2013 14:36

(Baonghean) - Tổng Công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex) - đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, thương hiệu dệt may nổi tiếng hiện có 12 Công ty trên cả nước đang có chủ trương đầu tư mạnh vào Nghệ An. Bên cạnh Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan (đơn vị thành viên), ngọn cờ đầu đang hoạt động hiệu quả, Tổng Công ty đã đầu tư 2 nhà máy may tại Nam Đàn và chuẩn bị đầu tư thêm 3 nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Nam Giang- Nam Đàn và 1 nhà máy may ở huyện Quỳnh Lưu.

Có lẽ chưa bao giờ Nghệ An lại có nhiều nhà máy dệt may hoạt động sôi động như bây giờ. 4 nhà máy may của Hàn Quốc ở Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành đang thu hút gần 10.000 lao động nông thôn, giờ lại thêm Nhà máy may dệt kim Nam Đàn Hanosimex của Tổng Công ty CP dệt may Hà Nội, công suất 5,1 triệu sản phẩm may/ năm với tổng mức đầu tư 78,34 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan (đơn vị thành viên của Hanosimex) cũng đang có bước phát triển vững chắc.

Dù rất bận rộn bên phân xưởng ghép thô, chị Hoàng Thị Minh Phương (Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan) vẫn vui vẻ cho chúng tôi biết: Thu nhập của chị hiện đã đạt 5 triệu đồng/tháng. Gắn bó với Công ty đã 10 năm, chị đã quen với việc đi làm ca và hướng dẫn cho các bạn mới đến. Môi trường làm việc ngày một cải thiện, giờ việc làm đảm bảo cùng với các chế độ đãi ngộ tương đối tốt nên chị chưa từng có suy nghĩ sẽ chuyển đi nơi khác. Chị Vân Hà ở xóm 14 Nghi Phú cũng thế, sau khi hết học đã xin vào học may và làm việc ở Công ty. Vân Hà tâm sự: “Bố mẹ em là nông dân nhưng hiện không có việc làm bởi đất đai đã bị thu hồi hết. Thu nhập của em hiện nay là 3,5 triệu đồng/ tháng, nhưng cái em có được là nề nếp, kỷ luật lao động, hiểu hơn giá trị đồng tiền mình làm ra, đỡ đi bao vất vả cho bố mẹ”. Còn Anh Tuấn quê ở xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, em hiện đang rất yên tâm làm việc ở nhà máy sợi, công việc dù vất vả nhưng đảm bảo thu nhập ổn định cuộc sống.



Vận hành dây chuyền sản xuất sợi ở Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan.
Ảnh: Cảnh Nam

Mặc dù khó khăn suy thoái kinh tế tác động đến tất cả các nước, các thị trường, trong đó không loại trừ ngành dệt may. Thế nhưng, với sự bền bỉ, sức trẻ, sức bật mới, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan vẫn đang tìm được nhiều đơn hàng ổn định, xuất khẩu trực tiếp ngày một cao, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tỷ trọng sợi xuất khẩu, tăng cường độ tin cậy của khách hàng đến từ nhiều nước như Ai Cập, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Báo cáo của Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty CP dệt may Hà Nội cho thấy: 6 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của Công ty đạt 347.777 triệu đồng, đạt 55% kế hoạch năm, bằng 137% so với cùng kỳ, sản phẩm sợi các loại đạt 5.890 tấn, bằng 157% so với cùng kỳ, sản phẩm may đạt 1.847.000 sản phẩm, bằng 121% so với cùng kỳ. Tin vui không chỉ doanh thu tăng trưởng mà xuất khẩu trực tiếp đã đạt trên 7 triệu USD, bằng 385% so với cùng kỳ. Công ty nạp ngân sách được 6,66 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập, tiền lương cho trên 600 lao động với mức bình quân 3.870 ngàn đồng/tháng. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã chủ động đáp ứng nguồn nguyên liệu bông, xơ phục vụ sản xuất, 2 nhà máy đã huy động tối đa về năng lực sản xuất, sản lượng sợi tăng 57% và sản lượng may tăng 21% so với cùng kỳ. Nhờ có uy tín với bạn hàng, công ty đã tìm được đầu ra thuận lợi. 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sợi đã đạt hơn 7 triệu USD, tăng gần 385% so với cùng kỳ.

Không chỉ chăm lo tốt việc làm, đời sống cho người lao động, mà Đảng bộ Công ty đã tổ chức học tập, sinh hoạt toàn Đảng bộ để quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI), học tập và là theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu của cán bộ. Chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng ủy Công ty đều gắn với lợi ích của công ty và người lao động, từ đó phát huy được tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cán bộ và người lao động trong công ty.

Còn ở Nhà máy may dệt kim Nam Đàn, dù mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút được 700 lao động về làm việc. Khởi công đầu tháng 11/2012, sau gần 7 tháng xây dựng, lắp đặt thiết bị, ngày 31/5/2013, Nhà máy may dệt kim Nam Đàn đã đi vào sản xuất. Nhà máy có diện tích gần 12.000m2, đầu tư 78,3 tỷ đồng, được hoàn thành trong thời gian ngắn với chất lượng cao, đúng cam kết với địa phương.

Cùng với sự hoạt động “đều tay” của các nhà máy khác, doanh thu của Tổng Công ty Hanosimex 6 tháng đầu năm đạt 934.882 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27,6 tỷ đồng. Doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ 2012. Về Kim ngạch xuất khẩu: Tổng công ty đạt 56% KH/năm, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2012. Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm hầu hết các đơn vị sản xuất trong tổng công ty đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2012.

Các nhà máy dệt may thi đua sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nhà máy của Hanosimex đã tạo nên một nhịp độ mới, sức sống mới cho các miền quê Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành… Từ chỗ chỉ biết cấy, cày, thêu thùa, chăn nuôi giờ đây mỗi buổi sáng, nhiều người dân nông thôn Nghệ An đã biết dậy thật sớm, đến nhà máy may làm việc với kỷ luật công nghiệp cao, tạo ra những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và đã góp phần đưa ngoại tệ về cho đất nước.

Ông Nguyễn Song Hải- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP dệt may Hà Nội, kiêm Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan cho biết: Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ là địa bàn đầu tư chiến lược của Hanosimex trong thời gian tới. Được sự đồng ý của tỉnh Nghệ An, Hanosimex chuẩn bị đầu tư thêm 3 nhà máy nữa tại Nam Đàn: đó là nhà máy sợi qui mô 12.000 cọc sợi, công suất 15.000 tấn/ năm; Nhà máy may dệt thoi công suất 3,6 triệu sản phẩm sơ mi/ năm và nhà máy dệt kim dệt vải mộc công suất 4000 tấn/ năm. Đồng thời sẽ xây dựng thêm một nhà máy may nữa tại huyện Quỳnh Lưu. Lợi thế về nguồn lao động dồi dào, cộng với chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, chiến lược di dời nhà máy về các địa phương đang là động lực thúc đẩy Tổng Công ty đầu tư các dự án về Nghệ An.


Châu Lan