Kỹ thuật sử dụng phân viên nén nhả chậm cho lúa

24/06/2013 18:16

(Baonghean) - Trong sản xuất nông nghiệp, việc bón phân đơn và sử dụng biện pháp bón vãi, bón phân không cân đối đã dẫn đến hiệu quả sử dụng phân thấp. Trong đó, đạm là yếu tố bị thất thoát nhiều nhất.

Hiệu quả sử dụng phân đạm bón vãi trong sản xuất lúa thông thường chỉ đạt 30% - 35%; làm tăng chi phí đầu vào mà còn làm ô nhiễm môi trường và gây hiệu ứng nhà kính; lượng phân bón bị mất đi thông qua các con đường rửa trôi, bốc hơi, thấm sâu, vi sinh vật phân giải vào cỏ dại. Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, đặc biệt là phân đạm trên cây lúa, chúng tôi xin giới thiệu với bà con kỹ thuật sử dụng phân viên nén nhả chậm (PVNC) cho cây lúa:

a. Chuẩn bị:

Bón lót từ 200 - 300kg phân chuồng hoai/sào Bắc bộ (360m2). Cày bừa làm đất như với ruộng cấy lúa bình thường. Giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm từ lúc cấy cho đến khi bón phân. (những ruộng kém màu, cần bón thêm 8 - 10kg phân lân Văn Điển hoặc supe Lâm Thao/sào).

b. Cấy lúa:

- Cấy thẳng hàng.

- Cứ 8 hàng lúa thì để 1 khoảng rộng 30cm (đường công tác).

Cấy 1-2 dảnh/khóm, khoảng cách giữa các khóm 18cm (lúa thuần) - 20cm (lai).

Kỹ thuật bón phân viên nhả chậm

a. Thời điểm bón: Bón ngay sau khi cấy, thời gian bón càng ngắn càng tốt (vụ xuân sau cấy từ 1-5 ngày, vụ mùa sau cấy từ 1-3 ngày).

b. Cách bón:



Dúi phân giữa 4 khóm lúa, cách 1 hàng dúi 1 hàng.

Dúi 1 viên phân sâu 6 - 8cm giữa 4 khóm lúa cách 1 hàng dúi 1 hàng.

c. Lượng bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 12,5 - 13kg/sào Bắc bộ.

d. Lưu ý: Trong vòng 20 - 25 ngày sau khi dúi phân không được bước vào vị trí đã dúi phân để không làm xê dịch viên phân.

a. Nguyên tắc chung:

- Ruộng được cày bừa kỹ, đất phải nhuyễn, sạch cỏ và bừa phẳng để thuận lợi cho quá trình bón phân và tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

- Viên phân phải được nằm sâu trong lớp đất bùn, tốt nhất là ở độ sâu từ 6 - 8cm.

- Các biện pháp kỹ thuật khác vẫn thực hiện như bình thường.

b. Làm đất và thời điểm bón:

- Cày lật đất (hoặc máy lồng) lần 1 để rạ và tàn dư thực vật được nằm sâu trong đất. Trong điều kiện cho phép, trước khi cày lật đất, phun dung dịch vi sinh vật (EMINA, AZOTOBACTER,...) để rạ và tàn dư thực vật phân hủy nhanh hơn và bổ sung VSV cố định đạm cho đất.

- Đối với loại đất có tầng canh tác mỏng: Bón vãi phân PVNC trước lần bừa (hoặc lồng máy) cuối cùng. Bón xong cho bừa (hoặc máy lồng) đất lần cuối và trang phẳng. Làm đất xong sẽ tiến hành gieo sạ hoặc cấy.

- Đối với loại đất có tầng canh tác dày, đất lầy thụt: Ngay sau khi bừa lần cuối cùng, khi bùn đất còn loãng sẽ bón phân PVNC ngay. Khi bón ném mạnh tay để phân chìm sâu trong đất. Bón xong trang phẳng. Sau khi trang phẳng sẽ tiến hành gieo sạ hoặc cấy.


Đậu Thị Triều (Trạm Khuyến nông Anh Sơn)