Nuôi cua biển thương phẩm

13/08/2013 16:31

(Baonghean) - Những kết quả sau 3 năm triển khai mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm”đã mở ra một hướng đi mới cho người nuôi trồng hải sản. Theo đó, người dân ven biển có cơ hội ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi vùng nuôi tôm kém hiệu quả, hoặc thường xuyên xảy ra bệnh dịch sang nuôi cua.

Trong 3 năm (2011- 2013) được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thực hiện thành công mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm” trên diện tích 2.5 ha. Theo hình thức thâm canh, trong thời gian 5 tháng tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh, các hộ được cho là có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, tiềm năng về tài chính, nhiệt tình, tận tâm trong công việc, dám mạnh dạn đầu tư, được chọn tham gia đề án nuôi của biển thương phẩm...


Mô hình nuôi cua thương phẩm tại xã Hưng Hòa (Tp. Vinh)

Thời gian mới triển khai mô hình, thời tiết có nhiều thay đổi thất thường, nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, giá thức ăn, vật tư và thuốc thú y tăng cao, người nuôi cua gặp không ít khó khăn, sự sinh trưởng và phát triển của cua cũng ít nhiều ảnh hưởng. Do chủ động trong dự báo, dự đoán tình hình, xây dựng chương trình kế hoạch sản xuất, các hộ nuôi đã kịp thời xử lý về kỹ thuật, tăng suất đầu tư. Đặc biệt, các hộ đều tuyệt đối tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi cua theo hướng dẫn. Từ khâu cải tạo ao, chăm sóc quản lý, cho đến các biện pháp phòng bệnh cho cua. Kết thúc vụ nuôi đầu tiên được đánh giá là thắng lợi với tỷ lệ sống khá (60 - 65%), cỡ cua đạt 3 - 4 con/kg, năng suất thu hoạch đạt 1,5 - 1,9 tấn/ha.

Điển hình là năm 2012, hộ ông Võ Văn Mai, xóm 3, xã Nghi Xá, (Nghi Lộc), với diện tích 0,5 ha ao nuôi, thả 5.000 con cua giống, cỡ giống thả bình quân 40 con/kg, thức ăn cho cua chủ yếu là cá tạp. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ cua đạt bình quân 0,3 kg/con, cho sản lượng cua thương phẩm là 900 kg, giá bán tại ao 320 ngàn đồng/kg, ông đã thu về 288 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí như: Cua giống 5.000 con, giá bình quân 8.000 đồng/con là 40 triệu đồng; cá tạp làm thức ăn cho cua 4.000 kg, giá bình quân 6.000 đồng/kg, hết gần 24 triệu đồng; chi khác khoảng 6 triệu đồng. Gia đình ông đã thu lãi ròng 218 triệu đồng.

Để đạt được hiệu quả cao, các hộ nuôi cua cho biết: Trước hết phải cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật, con giống đảm bảo có chất lượng tốt, cỡ cua giống thả ban đầu phải ≥2cm/con, mật độ thả phù hợp nhất là 1 con/m2. Thức ăn hàng ngày của cua chủ yếu là cá tạp, và thức ăn phải hoàn toàn tươi sống. Môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, thường xuyên vệ sinh đáy ao để loại bỏ thức ăn thừa thối rữa, thay nước theo thuỷ triều để đảm bảo môi trường ao nuôi trong sạch và kích thích cua bắt mồi, lột xác, giúp cua sinh trưởng và phát triển nhanh.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả và bàn biện pháp nhân rộng mô hình.Từ kết quả của các mô hình nuôi thử nghiệm, qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về khả năng phát triển của giống cua, cũng như điều kiện thực tiễn ở các địa phương, các nhà chuyên môn và bà con nông dân đều thống nhất cao: Các xã vùng ven biển Nghệ An hoàn toàn có khả năng phát triển mô hình nuôi cua thương phẩm. Mô hình này, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, đưa giống cua tốt, dễ nuôi, ít bệnh đến người dân. Bên cạnh đó, nuôi cua biển thương phẩm là cơ sở giúp cho người nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống con nuôi, cũng như phương thức nuôi thả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm, phát triển đa dạng giống nuôi, tạo sản phẩm mới nhằm phục vụ cho nhu cầu thị trường ngày một cao.

Điều đặc biệt phải lưu ý khi thực hiện mô hình này là, đề cao tính an toàn sinh học trong việc nuôi thả. Do vậy, cán bộ kỹ thuật cần chú trọng tập huấn cho nông dân tham gia nuôi cua thương phẩm nắm vững kiến thức, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hạn chế dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao.


Vũ Xuân Nam (Trạm KN Tp.Vinh)