Giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
(Baonghean) - Những điệu hát tơm, hát lăm… đang có xu hướng bị lãng quên; những trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú giờ chỉ dễ tìm thấy trong các lễ hội; những phong tục, tập quán đã bắt đầu có sự thay đổi… Đó là thực trạng về việc lưu giữ các bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Huyện Kỳ Sơn hiện có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh và Hoa. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán, truyền thống khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú về màu sắc văn hóa. Đến với Kỳ Sơn sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc trưng của các dân tộc như: xuối, khắp, lăm, nhuôn, nhảy sạp, của dân tộc Thái; hát tơm, cồng chiêng của dân tộc Khơ Mú; cự xia, lù tẩu, múa thổi khèn của dân tộc Mông.
Văn hóa phi vật thể và vật thể của huyện Kỳ Sơn cũng vô cùng phong phú với kho tàng văn học dân gian của dân tộc Thái, các lễ hội như: Lễ hội Xang Khan của dân tộc Thái, Lễ mừng nhà mới của dân tộc Khơ mú, Lễ hội chọi bò, đám cưới truyền thống ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, chọi trâu, đu quay của dân tộc Mông. Tại bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, đền Pu Nhạ Thầu (đền Nhà Trần) đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa năm 2009. Đền được nhân dân xây dựng từ thế kỷ XIV và được tu sửa lại vào thế kỷ XIX để thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và bà già có công nuôi quân, động viên chồng con đánh giặc, bảo vệ bờ cõi. Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu vào dịp đầu xuân hàng năm là nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc Kỳ Sơn.
Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu (bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm)
Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, cộng với quá trình du nhập của nhiều luồng văn hóa khác nhau nên những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang có những dấu hiệu phai nhạt. Nếu chứng kiến một buỗi Lễ Xang Khan của đồng bào dân tộc Thái ở Kỳ Sơn, những người Thái còn mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình là rất ít. Những người còn giữ được đa phần là người già. Cả những nhạc cụ gắn liền với đồng bào dân tộc Thái là khèn bè, sáo nhuôn, khèn môi cũng đang dần biến mất. Số người biết thổi khèn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Vi Thị Dâu, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ là một trong ít người trong xã còn biết hát lăm (điệu hát truyền thống của dân tộc Thái). Dù đã già nhưng hầu như lễ hội nào, bà cũng đi hát. Bà bảo: Muốn truyền lại tiếng hát cho lớp trẻ sau này để khi có lễ hội thì các cháu hát. Nhưng chưa có cháu nào đồng ý.
Trang phục của đồng bào dân tộc Thái ở Kỳ Sơn.
Tình trạng trên cũng diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú. Theo anh La Pa Vin, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ thì những giá trị bản sắc văn hóa đang giảm đi ở mức đáng buồn. Đối với đồng bào Mông, tại các lễ hội, người dân vẫn tổ chức các hoạt động như ném còn, chọi bò, nhưng với điệu hát cự xia, điệu hát tuyền thống thì số người biết hát chỉ còn vài người. Đặc biệt, lớp trẻ không có ai biết hát. Những nhạc cụ như sáo, khèn, trống chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số gia đình.
Trang phục của người Mông đã có nhiều nét cách tân, theo hướng thuận lợi hơn trong sinh hoạt. “Hiện nay, đối với đồng bào Mông chỉ còn 2 nét văn hóa là chọi bò và thổi khèn trong đám ma còn giữ được nguyên vẹn, còn những nét văn hóa khác đã thay đổi đi nhiều, có cái thì hầu như mất hẳn. Như nhà truyền thống của người Mông là cột phải chôn sâu dưới đất, mái nhà bằng gỗ samu nhưng cả xã chỉ còn 3 nhà như thế. Rồi đến cả nghề rèn truyền thống cũng chỉ có 2 hộ còn làm. Đối với đồng bào Khơ Mú, thì tình trạng mất dần bản sắc diễn ra mạnh mẽ nhất. Nhà ở vắng dần nhà sàn, thay bằng nhà cấp 4, nền đất. Người Khơ Mú có điệu hát tơm nhưng số người biết hát không còn nhiều”.
Thực trạng trên diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ ở Kỳ Sơn. Không khó để lý giải điều này, bởi trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin nhanh, giao thông thuận lợi như hiện nay, thì sự giao thoa, hấp thụ giữa các nền văn hóa với nhau là đương nhiên. Đồng bào các dân tộc dù đã được vận động, tuyên truyền phải giữ gìn và bảo tồn những nét giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhưng khi điều kiện kinh tế đang hết sức khó khăn thì mục tiêu ấy là rất khó thực hiện.
Ông Mong Thái Nhi - Trưởng phòng VHTT huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Huyện có 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc đang dần mai một. Những nghệ nhân ít ỏi còn hát được các điệu hát truyền thống thì đang già đi, trong khi lớp trẻ hiện nay không mặn mà. Mỗi khi tổ chức một lễ hội hay hoạt động văn hóa, huyện yêu cầu các đoàn tham gia phải mặc trang phục của dân tộc mình, phần nào để đồng bào nhận thức được vai trò, nhiệm vụ trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được chính quyền các cấp ở Kỳ Sơn chú trọng. Năm 2009, huyện đã mở 2 lớp truyền dạy âm nhạc và múa dân gian nhằm mục đích cho thế hệ thanh niên biết được những điệu múa, điệu hát của dân tộc mình. Năm 2011, Phòng VHTT huyện phối hợp với Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh tiến hành sưu tầm và ghi hình, ghi âm các điệu múa, hát, trang phục, phong tục tập quán tại 3 bản, điển hình cho 3 dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông. Đến năm 2012, huyện phối hợp với Trường ĐH Văn hóa tiến hành tổ chức bảo tồn các giá trị văn hóa của người Khơ Mú tại bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm). Nội dung chính là phục dựng các lễ hội của người dân tộc Khơ Mú như cưới hỏi, mừng nhà mới, làm vía, mừng cơm mới… Những công tác trên đã có những hiệu quả nhất định, và quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức của một số bộ phận đồng bào trong việc giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc mình.
Song, đó chỉ là những biện pháp chưa có tính hiệu ứng và nhân rộng cao. Bởi, công tác giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa không chỉ làm ngày một, ngày hai, mà đó là cả một quá trình lâu dài, cần có sự đầu tư cả về vật chất, con người và tâm huyết của những cán bộ văn hóa, lãnh đạo chính quyền các địa phương. Bà Cụt Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa từ huyện đến xã còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hơn nữa, kinh phí đầu tư của Nhà nước cho công tác giữ gìn, bảo tồn còn hạn hẹp, thậm chí là chưa có. Ngoài nhận thức chưa sâu của người dân, thì ngay chính cả các cấp ủy, chính quyền cũng chưa xem công tác này là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa. Xây dựng được một đời sống văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc sẽ là động lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữ gìn quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, xã hội.
Bài, ảnh: P.B