Trồng đậu đũa TV 06407

10/07/2013 19:16

Từ nguồn giống nhập khẩu của Trung tâm Nghiên cứu & phát triển rau châu Á (AVRDC), Trung tâm Tài nguyên thực vật (PRC) - Viện Khoa học nông nghiệp VN đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống đậu đũa TV 06407.

Đậu đũa TV 06407 thuộc dạng hình sinh trưởng vô hạn, thân màu xanh, lá màu xanh đậm, hình oval, hoa màu tím. Thời gian gieo đến thu quả lứa đầu từ 48 - 50 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài. Quả thương phẩm màu xanh sẫm, thịt dày, không nổi hạt, có vị ngọt. Quả dài 52 - 57cm, rộng 6,9 mm, có từ 16 - 19 vách ngăn chứa hạt màu nâu hình quả thận, rốn hạt màu trắng.

Khối lượng 100 hạt nặng 14 gr. Mỗi cây thường có 24 - 33 quả, mỗi cuống thường có 2 quả, khối lượng quả 12,8 - 15,5 gr, mỗi mét vuông thu được từ 2,2 -2,95 kg quả, năng suất thực thu đạt 22,8 - 25,69 tấn/ha. Giống có khả năng kháng được sâu đục quả, bệnh héo vàng và chống chịu khá tốt với bệnh gỉ sắt.



Mô hình trồng thử nghiệm giống đậu đũa TV 06407

Đây là giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu SX nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Để trồng thành công giống đậu đũa TV 06407 bà con cần chú một số điểm sau đây:

- Thời vụ: Có thể trồng được 3 vụ/năm, trong đó thích hợp nhất là vụ xuân (gieo hạt từ 20/2 - 20/3) và vụ HT (gieo hạt từ 5/7 - 5/8).

- Chọn và làm đất: Chọn đất thịt nhẹ có độ pH từ 6 - 7, tơi xốp, tưới tiêu thuận lợi. Nên trồng xen canh với các cây trồng khác, đặc biệt là lúa nước để hạn chế nguồn bệnh. Làm đất nhỏ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống cao 25 cm, rộng 100 cm.

- Phân bón: Bón lót 15 tấn/ha phân chuồng hoai mục, 400 kg/ha phân lân bằng cách rải đều vào rạch và lấp kín phân trước khi gieo hạt.

- Chăm sóc: Trước khi gieo hạt nếu thấy đất khô nên tưới nhẹ để đất có đủ độ ẩm hạt dễ nẩy mầm. Mỗi luống gieo 2 hàng ngang cách nhau 60 -65 cm, cây cách nhau 25 - 30 cm.

Mỗi hốc gieo 3 hạt, khi cây có 1 -2 lá thật tỉa bớt 1 cây, giữ lại 2 cây khỏe mạnh tương đương mật độ 10 vạn cây/ha. Gieo xong dùng một lớp đất bột lấp mỏng lên trên.

Xới phá váng, làm sạch cỏ và tỉa bớt cây yếu khi cây có 1 - 2 lá thật. Chỉ dùng phân đạm và kali để bón thúc với khối lượng 200 kg đạm + 200 kg kali cho 1 ha. Toàn bộ lượng phân này được chia đều cho 3 lần bón thúc; lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật, lần 2 khi cây có 5 - 6 lá thật (trước khi cắm giàn) và lần 3 sau khi thu quả lứa 2, cây đang ra hoa rộ.

Thường xuyên tưới đủ ẩm (75 - 80%) bằng nước sạch cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, ra nhiều hoa, đậu nhiều quả sẽ cho năng suất cao, phẩm chất tốt. Cắm giàn khi cây bắt đầu vươn cao (6 - 7 lá thật), mỗi hốc cắm 1 cây dóc dài 1,8 - 2 m theo kiểu chữ A hoặc chữ X có các nẹp ngang (cần khoảng 1.500 - 1.600 cây dóc cho 1 sào).

- Thu hoạch: Sau khi thu lứa quả thứ 2 (khoảng 60 - 65 ngày sau trồng) tiến hành bón thúc đợt 3 cũng là đợt cuối cùng cho cây bằng cách bổ hốc cách gốc 5 - 7cm, cho phân đạm và kali vào, lấp đất, tưới đủ ẩm.

Tùy theo sản lượng quả sau mỗi đợt thu hái, có thể bón thúc thêm phân chuồng hoai mục để quả to hơn, ra nhiều hoa, đậu nhiều quả cho lứa sau. Tuyệt đối không sử dụng phân chuồng tươi, phân bắc tươi, nước giải hoặc nước phân tươi để bón tưới.

- Phòng bệnh: Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại cho đậu theo hướng dẫn của cán bộ BVTV, đảm bảo thời gian cách ly theo qui định.


Theo nongnghiepvn – L.Y