Món nợ ân nghĩa

23/07/2013 10:05

(Baonghean) - Sau bữa rượu ở tiệc cưới nhà hàng xóm, Lê Văn Lưu chạnh lòng nghĩ đến chuyện mình bị bố vợ cấm duyên nên mang dao đến trả thù.

Lê Văn Lưu, sinh năm 1983 trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu. Bố mẹ bỏ nhau từ khi còn bé, bố đi lấy vợ khác, Lưu ở với mẹ một vài năm. Sức khỏe mẹ ngày càng kém, bị khiếm thính và không có việc làm nên rất khó khăn trong việc nuôi con, Lưu trở về sống với ông nội. Lưng đã còng, mắt đã mỏi nhưng cụ ông năm nay 85 tuổi vẫn cố gắng bữa rau, bữa cháo, chăm bẵm đứa cháu nên người.

Năm 20 tuổi, Lưu theo người thân trong xã sang Lào làm ăn buôn bán. Là người xuất thân nghèo khổ nên Lưu tu chí làm ăn, gửi tiền về nuôi mẹ và ông nội. Năm 2010, trong một lần đi buôn ở Lào, Lưu gặp và làm quen với Nguyễn Văn Linh, con trai ông Nguyễn Văn Oanh ở xóm 8, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành. Thấy con trai mình có thêm người bạn thân thiết, biết tu chí làm ăn nên ông Oanh rất vui mừng, nhiều lần rủ Lưu về nhà mình chơi.

Ông Oanh có cô con gái tên Quỳnh (SN 1995), đang học phổ thông, xinh xắn, đáng yêu. Ngay từ lần đầu gặp gỡ Quỳnh, chàng trai nghèo đã có cảm tình đặc biệt. Sau những cuộc điện thoại, những lần nhắn tin, cả hai dành trọn tình cảm cho nhau lúc nào không biết.Tình yêu đẹp của hai người được gia đình ông Oanh trân trọng và chắp cánh vì thấy Lưu là người hiền lành. Dù cô con gái chưa đến tuổi được phép kết hôn theo pháp luật nhưng trước tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ, ông Oanh vẫn đồng ý cho hai đứa đi đến hôn nhân.

Ngày họ hàng nhà Lưu mang lễ lên nhà người yêu để ăn hỏi, dạm ngõ, ông nội Lưu là Lê Văn Hai đã khóc, mừng thầm cho gia đình có phúc lớn, gặp được gia đình thông gia bề thế, đàng hoàng. Hôn lễ của hai người được ấn định vào đầu tháng 3/2013.

Từ sau lễ dạm ngõ, gia đình ông Oanh hết mực yêu thương, coi Lưu như con trong nhà. Cũng từ đây, Lưu không còn tu chí làm ăn như trước nữa mà bắt đầu chơi bời, lêu lổng, nát rượu. Có lần, Lưu uống rượu say, về nhà vợ tương lai, đập phá đồ đạc. Lần khác, Lưu mượn xe của anh trai Quỳnh đi cầm cố… Chứng kiến sự bê tha của cậu con rể tương lai, ông Oanh lắc đầu ngao ngán. Để bảo vệ hạnh phúc cho con gái mình, ông Oanh quyết định hủy hôn vô thời hạn.

Quyết định của ông Oanh như sét đánh bên tai, khiến Lưu như chết lặng và không hiểu vì sao nên càng dấn sâu vào rượu chè để quên đi nỗi đau bị phụ bạc. Thế nhưng, càng uống rượu, Lưu lại càng nhớ người yêu, và luôn mơ về ngày hai vợ chồng hạnh phúc bên nhau. Ngày 2/3/2013, Lưu được mời đi dự đám cưới gia đình hàng xóm. Sau khi uống rượu ngà ngà, Lưu nhìn lên bức ảnh cưới của cô dâu chú rể, nhìn cảnh hai vợ chồng trẻ tay trong tay hạnh phúc bước vào hôn trường, Lưu chợt nghĩ đến cảnh mình đang bị hủy hôn, cộng với một vài lời nói vào ra của những người có mặt tại đám cưới khiến Lưu càng buồn tê tái.

Kế hoạch trả thù ông Oanh lập tức bùng lên, rời đám cưới, Lưu cầm con dao, đi xe máy một mạch lên huyện Yên Thành với mục đích tìm ông Oanh để hỏi cho ra nhẽ vì sao mình bị từ chối. Đến nhà ông Oanh khi trời đã tối, hắn lẻn vào nhà rồi tìm đến buồng ngủ, trả thù bố vợ tương lai bằng một nhát dao chí mạng. Giết người xong, hắn đi trốn nhưng biết không thể thoát nên sau đó đã tìm đến công an để đầu thú.



Lê Văn Lưu trước vành móng ngựa.

Giữa tháng 7/2013, phiên tòa xét xử Lê Văn Lưu được mở. Lọ mọ đến phiên tòa từ sáng sớm, cụ ông Lê Văn Hai cố gắng ngồi sát hàng ghế đầu để nhìn rõ mặt thằng cháu nội. Từ ngày Lưu bị bắt, sức khỏe ông Hai cũng giảm sút nghiêm trọng, suốt ngày thơ thẩn vào ra như người mất hồn. Nhiều lần nhìn thẳng vào mắt đứa cháu nội đang ngồi cúm rúm trên ghế chờ xét hỏi, ông Hai nước mắt chảy dài. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, ông Hai đã bán một bầy lợn rồi chống gậy đi vay khắp làng xóm được 20 triệu đồng để bồi thường cho gia đình bị hại, mong họ sẽ nói đỡ cho đứa cháu của mình trước tòa. Bên phía gia đình bị hại, cô con gái ông Oanh không có mặt tại phiên tòa, bà Phượng, vợ ông cũng khóc ròng khi nghe bị cáo kể về cái đêm kinh hoàng hôm đó.

Trong suốt quá trình xét xử, Lê Văn Lưu cúi gằm mặt, thỉnh thoảng quay xuống tìm kiếm ánh mắt cảm thông từ phía người thân. Lưu kể rằng, cũng chỉ vì quá yêu, quá xúc động khi nhìn ảnh đám cưới nhà hàng xóm nên mới gây ra án giết người. “Bị cáo có lỗi với ông nội, với mẹ già, và với cả gia đình người yêu. Món nợ ân nghĩa này, có chết bị cáo cũng không trả hết được. Chỉ mong tòa giảm án để sớm được hoàn lương trở về trả nghĩa cho người đang sống”, lời nói sau cùng của Lưu khiến phiên tòa lặng xuống.

Mức án 16 năm tù cùng mức bồi thường 93 triệu đồng mà Lưu bị tuyên phạt là xác đáng, nhưng nhiều người có mặt tại phiên tòa thở dài với thái độ tiếc nuối cho cuộc đời bị cáo. Bởi nếu như Lưu vẫn tu chí làm ăn không sa vào con đường rượu chè bê tha, thì Lưu đã không bị ông Oanh cấm duyên và có lẽ giờ đây Lưu cũng đã có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ trẻ. Bài học đắt giá mà Lưu phải nhận hôm nay chính là hậu quả của cách sống nông nổi, bồng bột đáng báo động của không ít thanh niên hiện nay.


Bài, ảnh: Nguyên Khoa