Bài 1: Bảo đảm an ninh lương thực và an sinh xã hội

30/07/2013 14:30

(Baonghean) - Báo Nghệ An trong các số ra ngày 17, 18, 19/7 có đăng loạt bài của tác giả Doãn Trí Tuệ về “Đảm bảo lợi ích của nông dân trong sản xuất nông nghiệp”. Trước hết, xin ghi nhận những tìm hiểu và phân tích của tác giả. Loạt bài viết đã nêu về bài toán hiệu quả cũng như vấn đề đảm bảo lợi ích của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn trao đổi lại về hiệu quả cũng như tính cần thiết, vai trò của sản xuất nông nghiệp đối với nền kinh tế nói chung, mỗi hộ nông dân nói riêng trong tình hình hiện nay.

Với trên 3 triệu dân, nhu cầu lương thực hàng năm của Nghệ An là rất lớn. Dự báo đến năm 2020, khi dân số sẽ tăng lên 3,6 triệu người, nhu cầu thóc hàng năm của chúng ta sẽ lên tới 800 - 850 nghìn tấn, tương đương 450- 500 tấn gạo. Hiện nay, tổng diện tích đất trồng lúa của Nghệ An là 105.151ha, trong đó gần 88 nghìn ha đất chuyên trồng lúa nước (đất 2 lúa) và trên 11 nghìn ha đất một lúa- một màu. Với những đặc thù về điều kiện khí hậu, chúng ta không có những thuận lợi nhất định trong sản xuất lúa.

Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như: Mía, cỏ ngọt, cây màu các loại… là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, trong quan điểm chỉ đạo, chúng ta vẫn kiên quyết giữ vững diện tích đất trồng lúa cần thiết, kể cả một số diện tích dù chuyển đổi nhưng vẫn phải giữ được hiện trạng đất để khi cần, lại quay về trồng lúa.

Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Công Châu - Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Bên cạnh những diện tích đất cao cưỡng, khó làm lúa được chuyển hẳn sang trồng các loại cây màu, thì ở những diện tích đất sâu trũng, gần khu dân cư, Đô Lương vẫn tập trung chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cách chuyển vẫn đảm bảo để khi đắp bờ lại thì thành ao nuôi cá, khi tháo nước ra lại thành ruộng có thể cấy lúa được. Trong chủ trương chuyển đổi vẫn phải giữ được diện tích lúa ổn định để trước hết đảm bảo được an ninh lương thực trên địa bàn.



Kiểm tra tình hình thu hoạch lúa vụ xuân 2013 tại xã Thanh Ngọc (Thanh Chương)

Nhìn rộng ra, trên bình diện chung của cả nước, các ý kiến chung đều cho rằng, với một nước nông nghiệp như Việt Nam, vấn đề an ninh lương thực (ANLT) không thể nghĩ trong vòng 20 - 30 năm mà phải nghĩ đến hàng trăm năm, làm sao không chỉ đời sống của chúng ta mà còn phải bảo đảm cho con cháu và các thế hệ mai sau. Chung quan điểm này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc từng đưa ra dẫn chứng: " Bất cứ quốc gia nào, người dân cũng cần phải sống bằng lương thực. Vì vậy, để bảo đảm ANLT quốc gia, buộc phải giữ đất lúa. Hơn nữa, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bài học rút ra là muốn phát triển bền vững, không có gì thay thế được việc cần thiết phải đầu tư cho nông nghiệp. Và rõ ràng, xét về tầm nhìn, giữ đất lúa là hoàn toàn cần thiết". Như vậy, có thể thấy, bảo vệ đất trồng lúa cũng như để người nông dân gắn bó với cây lúa là nhiệm vụ hàng đầu, bởi đây không phải là một ngành kinh tế thuần túy mà còn là vấn đề an ninh lương thực và an sinh xã hộị. Trong khi diện tích đất không tăng, thì năng suất sinh học của cây lúa là có giới hạn.

Những năm qua, chúng ta đã thực hiện chủ trương chuyển đổi trên nhiều diện tích, kể cả đất lúa và đất mía. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thì nhiều lúc, việc chuyển đổi không đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta từng nói đến việc sản xuất lúa, mía kém hiệu quả, đầu ra bấp bênh, nhưng thực tế, một số loại cây trồng chuyển đổi cũng đã gặp phải tình trạng tương tự. Cây dứa ở các vùng nguyên liệu Quỳnh Lưu, Yên Thành… là một ví dụ điển hình.

Hiện nay, việc đầu tư hệ thống thủy lợi tưới cho các vùng đồi thuộc các huyện như: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Qùy Châu, Quế Phong… chưa thực hiện được, thì ngoài một số diện tích được trồng cây cao su và cây cam, hầu hết diện tích còn lại, giải pháp tốt nhất là canh tác cây mía. Thực tế cho thấy, hơn 10 năm qua những vùng đất này khó tìm được loại cây trồng nào thay thế, có giá trị kinh tế cao hơn và bền vững hơn cây mía. Nhìn lại “lịch sử”, mía là loại cây trồng đã đem đến sự “đổi đời” cho rất nhiều nông dân nghèo Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…

Nhiều giai đoạn, các nhà máy đường phải “tranh mua cướp bán” mới có đủ nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay, dù có những lúc bấp bênh do bệnh chồi cỏ, giá đường lúc tăng lúc giảm, nhưng thiết nghĩ, đó chỉ là những khó khăn mang tính chất tạm thời. Và giá cả lên xuống là điều khó tránh đối với bất kỳ một loại nguyên liệu, hàng hóa nào. Mỗi năm, cây mía đã đem lại nhiều nghìn tỷ đồng cho những người nông dân ở những vùng đồi núi heo hút, nếu chưa làm giàu được thì họ cũng đã có thể thoát nghèo, Đơn cử trong vụ ép 2012 – 2013, cả 3 nhà máy trên địa bàn tỉnh đã chi trả cho nông dân gần 1.400 tỷ đồng.

Với cây lúa cũng vậy, mỗi năm, Nghệ An có tới 900 nghìn tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và xuất bán nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, những năm gần đây, khi Nghệ An đang dần có những bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị cây lúa, trong đó nổi lên là việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, thu nhập của người nông dân từ nghề trồng lúa đã ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.

Nói như vậy, để thấy rằng, dù còn những bất cập trong sản xuất nông nghiệp, nhưng việc giữ vững diện tích lúa, mía, cũng như việc người nông dân gắn bó với ruộng đồng là điều không thể khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có những giải pháp như thế nào để nâng cao đời sống cho nông dân, để bà con yên tâm gắn bó thủy chung với ruộng vườn, đồi bãi.
Còn nữa


Bài, ảnh: Phú Hương