ASEAN thực hiện thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch
Ngày 13/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội thảo thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, với sự hỗ trợ kỹ thuật của "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội" do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU).
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường du lịch, các khách sạn, công ty lữ hành và các hiệp hội du lịch.
Du khách tham quan bản Lác, Hòa Bình. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Ông Đinh Ngọc Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch đã giới thiệu về cơ chế thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch, sẽ chính thức có hiệu lực trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Thỏa thuận này cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN, ví dụ như một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN khác. Việt Nam cũng có thể thu hút được các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao mà đang bị thiếu hụt nhân lực.
Để triển khai thực hiện thỏa thuận này, Tổng cục Du lịch với sự hỗ trợ của Dự án EU, đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về các nghề du lịch. Cuốn sổ tay đã được thông qua trong phiên họp các Bộ trưởng Du lịch ASEAN, diễn ra tại Lào vào giữa tháng 1/2013 và cung cấp tới toàn bộ các nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, các tài liệu hướng dẫn cho nhân viên, nhà tuyển dụng và các cơ sở đào tạo trong ngành du lịch cũng được chuẩn bị và gửi lên mạng nhằm giải đáp các câu hỏi về cách thực hiện thỏa thuận này, yêu cầu, ý nghĩa đối với nhân viên và nhà tuyển dụng trong ngành du lịch.
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN là một động lực quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn của du lịch và nâng cao trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động du lịch trong ASEAN. Những nhân viên trong ngành du lịch của Việt Nam có chứng chỉ VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) có thể được công nhận qua việc đồng bộ trình độ kỹ năng của họ với Tiêu chuẩn nghề chung ASEAN đối với nghề du lịch (ACCSTP).
Những giảng viên du lịch và khách sạn cũng như các cơ sở đào tạo cần rà soát lại giáo trình giảng dạy để đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn VTOS và ACCSTP./.
Theo (vietnamplus.vn) - HL