Nhiều địa phương còn thờ ơ
(Baonghean) - Hàng năm Nghệ An gieo trồng trên 350 nghìn ha, hàng năm số diện tích này “tiêu thụ” khoảng 600 - 700 tấn thuốc BVTV, thải ra môi trường 50 - 70 tấn bao bì, chai lọ. Trên thực tế, lượng chất thải khổng lồ này vẫn chưa được xử lý tốt, gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và đến sức khỏe con người.
Bắt đầu từ vụ hè thu năm 2011, trên những cánh đồng ở xã Thượng Sơn (Đô Lương) xuất hiện những thùng xi măng lớn, trong đó là những chai lọ, bao bì thuốc BVTV được người dân bỏ vào sau khi sử dụng. Ông Nguyễn Văn Huynh - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp cho biết: Trước đây, việc phun thuốc trừ sâu xong thường vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, nên xã đã quyết định trích gần 10 triệu đồng từ ngân sách, lắp đặt 40 thùng xi măng đựng rác, (bình quân 1-2 thùng/cánh đồng), giao việc quản lý và xử lý rác cho các xóm. Đồng thời xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh nhằm vận động bà con tự giác bỏ rác vào thùng, đặc biệt là trước mỗi đợt phun trừ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện thu dọn sạch những vỏ rác, bao bì vứt bừa bãi trên đồng.
Phun thuốc trừ sâu cho lúa ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn)
Đó quả là cách làm rất hay trong thu gom, xử lý các chất thải thuốc BVTV ở nông thôn, nhưng những “mô hình” như thế vẫn đang được coi là “của hiếm”. Ông Phan Đình Nhâm (chủ nhiệm HTX Xuân Lâm 2- Nam Đàn) cho biết: Toàn HTX có 162 ha lúa, vào vụ đông, thường sản xuất khoảng 110 ha ngô và rau màu, với đủ các loại dưa chuột, bí xanh, rau cải, đậu đỗ… nên lượng thuốc BVTV được sử dụng hàng năm rất lớn. Có một thực tế là, trừ những lúc có dịch bệnh trên diện rộng, HTX tổ chức mua thuốc về cử người phun đồng loạt thì các loại bao bì, hộp thuốc BVTV mới được thu gom, còn bình thường, vào những lúc phun phòng trừ hoặc người dân phun thuốc rải rác, thì rác thải thuốc BVTV được vứt bừa bãi ngoài đồng. “Chúng tôi có ký hợp đồng với Công ty Vệ sinh môi trường Nghệ An thu gom rác thải để đưa đi xử lý, nhưng rất ít trường hợp người dân đưa các loại rác này về bỏ tập trung vào khu vực thu gom rác thải. Dù biết việc vứt bừa bãi rác thải BVTV sẽ rất ảnh hưởng đến nguồn nước, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng tình trạng này vẫn chưa khắc phục được, xã và HTX cũng chưa có biện pháp gì”- ông Nhâm thừa nhận.
Thực tế, ngoài một số rất ít địa điểm có tổ chức thu gom rác thải thuốc BVTV, như xã Diễn Thành (Diễn Châu), vùng trồng dưa Nghĩa Đàn, vùng rau Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu)..., còn lại, ở hầu hết các diện tích sản xuất nông nghiệp khác, vấn đề này vẫn còn bị “bỏ ngỏ”. Xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) được coi là “vựa rau” nổi tiếng không chỉ trong tỉnh, với diện tích trồng rau lên tới 180 ha, trước đây xã cũng đã xây dựng các hố chứa bao bì dọc trục đường lớn nhưng rồi người dân “tiện thể” bỏ đủ loại rác vào hố làm cho các hố đó không còn sử dụng được nữa. Việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV hiện chỉ “trông chờ” vào ý thức của nông dân! Hay tại xã Long Thành (Yên Thành), tổng diện tích gieo trồng là 576 ha/năm, trong đó 570 ha lúa, lượng thuốc BVTV được sử dụng hàng năm cũng rất lớn, nhưng đến nay xã vẫn chưa hề có chủ trương gì trong vấn đề thu gom rác thải BVTV...
Theo kết quả điều tra của Chi cục BVTV tỉnh, năm 2011, số lượng thuốc BVTV cung ứng trên địa bàn Nghệ An là 640 tấn, trong đó thuốc trừ sâu là 147 tấn, thuốc trừ bệnh 153,3 tấn, thuốc trừ cỏ 320 tấn và các loại thuốc trừ dịch hại khác là 40,98 tấn. Với lượng thuốc đó, mỗi năm chúng ta có khoảng 50 - 70 tấn bao bì, chai lọ thải ra môi trường cần xử lý. Theo ông Nguyễn Tiến Đức (Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh), thì để có năng suất và sản lượng cây trồng ngày một cao, ngoài vai trò giống, chế độ sản xuất tốt, việc dùng thuốc BVTV để bảo vệ mùa màng và đảm bảo cho môi trường sinh thái là một đòi hỏi không thể thiếu.
Tuy nhiên hiện nay, kinh tế thị trường phát triển đã tạo nên sự đa dạng, phức tạp cả từ các nguồn cung ứng đến cách thức cung ứng thuốc cho nông dân. Thống kê của Chi cục BVTV Nghệ An cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Việc quản lý buôn bán, sử dụng chủ yếu dựa vào cơ quan quản lý chuyên ngành là Chi cục BVTV; tuy nhiên do địa bàn rộng, các loại cây trồng đa dạng, phong phú, người kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, theo mùa vụ, ý thức bảo vệ môi trường của người sử dụng chưa cao, đã dẫn đến tình trạng bao bì, chai lọ vứt bừa bãi sau khi sử dụng. Theo các chuyên gia ngành BVTV, sau khi sử dụng, lượng thuốc còn sót lại trên bao bì là không nhỏ, nếu bị vứt bừa bãi, khi gặp mưa sẽ chảy ra, ngấm vào đất, nước ngầm. Đến nay, tuy chưa có một đánh giá tổng quan chính thức, nhưng có thể khẳng định, đây là những mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người…
Để có thể hạn chế mối nguy này, ngoài cơ quan chuyên ngành là ngành BVTV, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Thực tế, chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV. Ông Nguyễn Xuân Bình (Trưởng phòng Thanh tra - Chi cục BVTV tỉnh) cho biết: Hầu hết các xã không nắm được chức năng, thẩm quyền của mình trong vấn đề quản lý thuốc BVTV tại địa phương, đang làm cho tình hình buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trong thời gian gần đây diễn ra khá phức tạp. Rất phổ biến tình trạng người nông dân sử dụng sai thuốc, phun thuốc nhiều lần gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế và ảnh hưởng môi trường sinh thái.
Bởi vậy, đưa ra mô hình thu gom rác thải do sử dụng thuốc BVTV được coi là một giải pháp quan trọng để góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm cả trong hiện tại và cho tương lai. Hiện tại, Chi cục BVTV tỉnh đã tiến hành xây dựng dự án về quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, trong đó xây dựng mô hình thí điểm về thu gom rác thải do sử dụng thuốc BVTV của người nông dân trên đồng ruộng, để từ đó nhân ra diện rộng. Theo hướng thu gom tiêu hủy triệt để bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Hy vọng, cách làm này được nhiều địa phương quan tâm áp dụng góp phần hạn chế mối nguy hại ô nhiễm môi trường do rác thải thuốc BVTV trên mỗi địa bàn.
Bài, ảnh: Phú Hương