Quy hoạch “treo”, xử lý người làm quy hoạch

18/06/2013 21:38

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 21/6 tới đây, ngày 17/6, phiên thảo luận tại hội trường về dự án luật này đã “nóng” dần với những ý kiến đóng góp thẳng thắn của đại biểu Quốc hội.



Cần mạnh dạn xóa quy hoạch “treo” (ảnh minh họa).

Thu hồi đất phải tính đến lợi ích người dân

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) đồng tình với quan điểm thu hồi đất được quy định tại Chương VI của dự thảo luật vì đất đai là tài nguyên tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Do đó, quy định nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Nhà nước phải trưng mua, bởi Nhà nước không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong luật: "Nhà nước thực hiện thu hồi đất và trưng mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất trong các trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội".

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này?”

Theo đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ), ngoài những trường hợp như dự thảo nêu trên thực tế còn có những trường hợp thu hồi đất do thiên tai bất khả kháng tác động nghiêm trọng đến một địa bàn, một vùng đất cụ thể, ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của người sử dụng đất ở khu vực đó. Ví dụ: Các trường hợp sụt lún đất đã từng xảy ra do biến động địa chất ở không ít nơi. Trường hợp này tuy người sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai và có thể cũng không tự nguyện trả lại đất do chưa ý thức được hết nguy cơ có thể xảy ra. Dù vây, vì sự an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, Nhà nước vẫn cần thiết phải ra quyết định thu hồi đất, đồng thời có trách nhiệm bố trí đất tái định cư ở nơi an toàn và tạo điều kiện về đất sản xuất phù hợp cho người có đất bị thu hồi. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 16, Chương VI quy định về trường hợp nhà nước thu hồi đất do tình huống thiên tai bất khả kháng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của người dân.

Trong vấn đề thu hồi đất, đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng thuận với phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự thảo luật. Theo đó, giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất của cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với việc sử dụng đất đối với trường hợp được xác định thu nhập.

Bất cập lớn trong công tác quy hoạch

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) chỉ rõ: Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang là vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Nhiều dự án sau khi công bố quy hoạch, việc triển khai thực hiện cầm chừng; cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý Một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở. Điều này cho thấy công tác này còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản. Cụ thể: Tại Khoản 3, Điều 48 quy định 3 năm công bố dự án mà chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án; trường hợp cơ quan có thẩm quyền không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 48. Quy định như vậy chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi của điều luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét xử lý điều khoản trên nhằm đảm bảo tính khả thi của luật. Bên cạnh đó, cần quy định ai đề ra quy hoạch mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Huỳnh Nghĩa, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ sung Điều 164 về quyền chung của người sử dụng đất với nội dung quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp người sử dụng đất trong vùng đã công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có diện tích đất bị thu hồi mà thiệt hại do hạn chế quyền sử dụng đất.

Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là thể hiện tầm nhìn và định hướng tương lai. Do vậy, quy hoạch sử dụng đất khi lập phải dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để lập các quy hoạch khác như: quy hoạch xây dựng đô thị; quy hoạch ngành; quy hoạch chi tiết nhằm khắc phục chồng chéo quy hoạch đang diễn ra hiện nay. Cần thống nhất quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kế hoạch sử dụng đất là 5 năm, và thống nhất quy định nội dung quy hoạch sử dụng đất còn 3 cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện). Bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã là phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tiết kiệm kinh phí, nhân lực và thời gian.


Theobaocongthuong-P-H