Người chăn nuôi đang bị đánh lừa!?
* Chưa có quy chuẩn quốc gia về quản lý Premix
TS.Vương Nam Trung – Trưởng phòng phân tích TĂCN (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ) khẳng định: “Chúng tôi vừa có một cuộc khảo sát về premix để thực hiện một đề tài cấp Nhà nước, kết quả cho thấy hầu hết đều không đảm bảo chất lượng, không đúng với công bố tiêu chuẩn ghi trên sản phẩm”.
Các loại premix trên thị trường đang loạn cào cào về giá bán.
Điều lạ lùng là giá 1 kg premix nguyên liệu lên tới cả trăm nghìn đồng, nhưng hầu hết premix đang bán trên thị trường VN lại cực rẻ, chỉ có mấy chục nghìn/kg!
Vài năm trở lại đây, sản phẩm premix – một loại bột gồm hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, được trộn sẵn dùng bổ sung vào thức ăn vật nuôi, được bày bán vô cùng bát nháo. Hàng trăm nhãn hiệu premix của hàng chục công ty ra đời cạnh tranh nhau khốc liệt, khiến người chăn nuôi bị rơi vào “mê trận” thật giả lẫn lộn. Để có thể thu hút sự quan tâm của nông dân, hầu hết các công ty đều “nổ” banh trời về công dụng của premix.
Đơn cử như công ty dinh dưỡng N.C (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang có rất nhiều loại sản phẩm premix, phân chia thành đủ loại cho heo từ 15 – 35 kg, từ 35 – 70 kg, từ 70 kg đến xuất chuồng. Loại nào cũng có công dụng hết sức “phi thường” như: “Nở đùi, bung mông, thể hình heo đẹp, heo hồng hào, khỏe mạnh, tỷ lệ nạc cao, nặng ký…”.
Còn công ty TNHH L.N chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh premix, chất phụ gia cho gia súc, gia cầm và thủy sản tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai còn chia premix theo thực đơn phong phú hơn. Ngoài phân chia theo giai đoạn sinh trưởng, premix còn được công ty này “biến hóa” thành nhiều công dụng thần kỳ cho đủ loại: từ heo thịt, heo nái mang thai, heo nái nuôi con, heo nái hậu bị, cho đến heo đực giống, đều phải sử dụng premix khác nhau để “da hồng, lông mượt, nở mông, nở vai, nạc cao, thịt đỏ, nhuận trường…”.
Để lấy niềm tin người chăn nuôi, nhiều công ty cung ứng premix còn không ngần ngại gắn cho mình cái mác “ngoại” hết sức bóng bẩy, hay đặt tên tiếng Anh theo hình thức nhóm hay tập đoàn (dù tiềm lực thật sự rất yếu).
Đơn cử như công ty quốc tế A.L (có trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM) đã thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách, tung thông tin họ là đối tác chiến lược của một tập đoàn tầm cỡ quốc tế có trụ sở đóng tại Singapore, có uy tín và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ cơ sở này, họ mong muốn tìm các đối tác chiến lược để phát triển nhóm sản phẩm premix cho cả gia súc, gia cầm, lẫn cá da trơn, cá ba sa ở ĐBSCL.
Một nguồn tin tiết lộ, sau khi thị trường premix tại khu vực Đông Nam bộ dần trở nên “khó nhằn” vì quá nhiều công ty nhảy vào tranh giành, gần đây premix được đẩy mạnh tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây. “Cứ xuống mấy tỉnh ĐBSCL mà xem, premix được bày bán vô cùng bát nháo” – vị này nói.
Quả đúng như vậy, PV NNVN trong vai khách hàng đã rất bất ngờ khi được các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp mời chào, quảng bá công dụng thần kỳ của vô số loại premix, trong nước có, ngoại nhập có. Điều đáng nói, trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp khác có độ chênh khá nhỏ, thì giá bán các loại premix của các công ty lại có độ chênh lệch hết sức khủng khiếp.
Tại đại lý Cẩn Huệ (số 654 Quốc lộ 1A, KP Bình Quân, phường 4, TP.Tân An, Long An), khi PV hỏi mua premix số lượng lớn để cung ứng cho trang trại số lượng vài nghìn con heo, lập tức được bà chủ tư vấn: “Em không nên mua gói nhỏ, chị có loại premix thùng lớn từ 5 đến 15 kg, giá bán sỉ rẻ hơn nhiều!”.
Nói xong, chị này dẫn khách đi ra kho hàng phía sau nhà, nơi có hàng trăm thùng premix lớn nhỏ của hàng chục công ty, được xếp chồng lên nhau cao quá đầu người. “Em muốn mua loại nào cũng có, nếu muốn rẻ thì xài loại Vytazym chỉ có 26.000 đồng/kg, cao hơn chút thì có Olavit giá 38.000 đồng/kg, premix 808 giá 40.000 đồng/kg, Sumo giá 50.000 đồng/kg…”.
Sau khi quan sát, PV chỉ vào dãy thùng premix ghi toàn chữ tiếng Anh mang tên Vitalino hỏi xuất xứ và giá, chủ cửa hàng liền nói: “Loại này là chuẩn nhất đấy, hàng nhập nguyên thùng từ Hàn Quốc về nhưng giá rất cao, tới 130.000 đồng/kg!”.
Nói về hiện tượng bát nháo về chất lượng và loạn giá bán premix trên thị trường, TS.Vương Nam Trung – Trưởng phòng phân tích TĂCN (Phân viện Chăn nuôi
“VN có quy chuẩn quốc gia về thức ăn cho gà, heo, vịt…, trong đó có đề cập đến một số chỉ tiêu quy chuẩn về độc tố, chất cấm, kháng sinh, nhưng lại chưa có quy chuẩn cụ thể về premix. Đây là một trong các yếu tố khiến các công ty lợi dụng đưa sản phẩm premix với những công bố khá “nổ” về chất lượng và công dụng ra thị trường", theo ông Trung.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nghiên cứu về nhu cầu premix vitamin tại VN còn ít, trong khi ở nước ngoài nghiên cứu lĩnh vực này rất sâu. Người chăn nuôi tại VN ai cũng muốn đưa premix vitamin vào để tăng hiệu quả cho heo, gà nhưng do không chủ động được nguồn nguyên liệu, chủ yếu nhập khẩu nên giá rất cao.
Theo TS.Trung: “Điều lạ lùng là giá 1 kg premix nguyên liệu lên tới cả trăm nghìn đồng/kg, nhưng hầu hết premix đang bán trên thị trường VN lại cực rẻ, chỉ mấy chục nghìn/kg là vô lý! Điều này cho thấy, nguyên liệu premix trong các sản phẩm giá rẻ bất thường này có vấn đề!”.
Để minh chứng, Phòng Phân tích TĂCN vừa có một cuộc khảo sát về premix vitamin để thực hiện một đề tài cấp Nhà nước. Kết quả cho thấy hầu hết premix bày bán đều không đảm bảo chất lượng, không đúng với công bố tiêu chuẩn ghi trên sản phẩm. Chỉ có khoáng là tương đối đảm bảo do nguyên liệu rẻ, còn vitamin thì rất thấp.
TS.Trung cũng khẳng định, ông đã tiếp xúc với nhiều công ty cung ứng sản phẩm premix và được biết mức chiết khấu cho các đại lý là rất lớn, điều này cho thấy giá trị thực của nguyên liệu sản phẩm premix còn thấp nữa. Và để có thể cạnh tranh, các công ty đã chọn nguồn nguyên liệu rẻ chất lượng thấp, hoặc không cho đủ nguyên liệu nhưng vẫn công bố chất lượng tuyệt hảo.
Hiện nay có hai nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất premix là từ Trung Quốc (giá rất rẻ, chất lượng cực thấp) và nguồn từ châu Âu (giá rất cao nhưng chất lượng tốt). Các sản phẩm premix giá rẻ trên thị trường khi để lâu thường hay bị hỏng do bị oxy hóa (tương đồng với chất lượng thấp do dùng nguồn nguyên liệu Trung Quốc), còn ngược lại hàng từ châu Âu sản xuất bằng công nghệ cao, nguyên liệu premix có màng bọc nên không bị oxy hóa.
Điều đáng nói, do quy định cụ thể về kiểm tra, quản lý premix chưa có nên các đoàn thanh tra vật tư nông nghiệp địa phương rất ít khi lấy mẫu kiểm tra premix. Vì thế, Phòng phân tích TĂCN hiếm hoi mới nhận được đơn đặt hàng kiểm tra loại sản phẩm này.
Theo (NNVN) - LC