Du lịch Cửa Lò: Cần đa dạng sức hút
(Baonghean) - Cửa Lò sở hữu bờ biển dài trên 12 km với 3 hòn Đảo lớn nhỏ, đó là Đảo Ngư, Đảo Mắt và Đảo Lan Châu. Cùng với bờ biển dài, nước biển trong xanh, môi trường sạch đẹp và con người thân thiện, mến khách, Cửa Lò đang hấp dẫn du khách mọi miền.
Chính thức được thành lập năm 1994, chặng đường gần 20 năm không phải là dài so với hơn 100 năm kể từ ngày người Pháp phát hiện ra tiềm năng du lịch Cửa Lò. Song nhìn lại những gì đã có, thì có thể coi đó là một bước ngoặt. Được tách ra từ huyện Nghi Lộc, người dân chủ yếu làm nghề đi biển và nông nghiệp, bằng nỗ lực, Cửa Lò hôm nay đã vươn mình trở thành đô thị du lịch biển với những tuyến phố, công trình văn hóa, khách sạn, nhà hàng; là những ki ốt nằm xen giữa dải rừng phi lao và thảm cỏ xanh mướt. Phát triển sau, nên Cửa Lò đã rút ra được những bài học quý báu, vừa có được không gian đô thị rộng mở, quy hoạch hiện đại mà vẫn đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên.
Cửa Lò mùa cao điểm du lịch.
Biển Cửa Lò không chỉ hấp dẫn du khách bởi nước biển trong và bãi cát mịn, mà còn làm vấn vương lòng người bởi những sản vật của biển. Nào cua, ghẹ, tôm, mực, sò điệp… Một nét đặc trưng rất riêng nữa của Cửa Lò được du khách ấn tượng và xem đây như “đặc sản” của địa phương, ấy là tính chuyên nghiệp trong thái độ, cách thức phục vụ, nhưng ở họ vẫn không mất đi nét chân chất, đằm thắm của người dân kẻ biển. Từng nụ cười trên gương mặt rám nắng của các mẹ, các chị làng biển làm kinh doanh du lịch được coi là nét duyên, sức hút hấp dẫn đối với du khách khi về Cửa Lò.
Ngày nay, khách tới Nghệ An và đến Cửa Lò rất thuận tiện vì có hệ thống giao thông đồng bộ. Cùng với đường bộ, đường sắt, nhiều tuyến bay mới được mở nên dù cách xa cả ngàn cây số, nhưng chỉ hơn 1 giờ bay, khách đã có thể hòa mình vào lòng biển cả. Từ một làng chài nhỏ bé, đến nay, thị xã biển đã trở thành một đô thị du lịch với gần 300 cơ sở lưu trú, gần 7.000 phòng nghỉ, có khả năng phục vụ khoảng 18.000 khách lưu trú/ngày. Trong đó, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 - 4 sao, đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc tế.
Nhiều năm qua, lượng khách du lịch về Cửa Lò luôn tăng mạnh, năm 2012, Cửa Lò đón gần 2.000.000 ngàn lượt khách, với 1.120 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động dịch vụ, du lịch, tăng hơn 17% so với năm 2011. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, khách lưu trú đạt 575 ngàn lượt người, tăng 0,8% so với cùng kỳ; doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 760 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ...
Có thể nói, từ một vùng đất hoang sơ, chỉ chưa đầy 20 năm, Cửa Lò đã nỗ lực vươn lên thành đô thị du lịch biển như hôm nay. Thế nhưng, nếu như trước đây, Cửa Lò phát triển nhanh đến mức nhiều du khách chỉ sau một năm trở lại Cửa Lò đã phải ngỡ ngàng, thì nay, Cửa Lò cần xem lại khi bằng lòng với những gì đang có, rất khó trong chiến lược phát triển bền vững hướng tới du lịch 4 mùa. Còn nhớ, cách đây khá lâu thị xã đã xây dựng dự án “Làng du lịch văn hóa dân tộc” nằm ở phía Nam khu du lịch Cửa Lò; dự án “Làng sinh thái văn hóa lịch sử” ở Nghi Thu... để làm phong phú sản phẩm du lịch trên địa bàn nhưng vì thiếu vốn, thiếu quyết tâm, các dự án đã chết yểu.
Nằm ngay sát bờ biển, đảo Lan Châu như nét chấm phá trong phố biển Cửa Lò, từ vị trí này có thể quan sát toàn cảnh Thị xã, cảng Cửa Lò và phóng tầm mắt ra biển khơi bao la. Để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước, đảo Lan Châu đang được quy hoạch thành Khu du lịch cao cấp và thể thao nước. Nơi đây sẽ được xây dựng cầu tàu phục vụ khách du lịch tham quan Đảo Ngư, Đảo Mắt và các tuyến du lịch biển, đảo trên địa bàn Thị xã. Nhiều dự định như thế đã được vẽ ra trong nhiều năm nay, nhưng hiện tại, con đường lên đảo chỉ vài trăm mét cũng rất tạm bợ, trên đường đổ bằng đất đá, hai bên là cỏ dại. Một hòn đảo đẹp gắp với bao huyền tích nhưng vì thiếu đầu tư xứng tầm nên cho đến nay vẫn được coi là tiềm năng bỏ ngõ.
Chị chủ quán nước ngay phía trước đường vào đảo nói trong tiếc nuối: Tôi bán hàng ở đây đã 5 năm, khách tìm đến khá nhiều và không ít trong số đó tỏ ra thất vọng. Chỉ vào con đường gồ ghề đá đi lên đảo, chị cho hay con đường này đã có từ lâu nhưng vì không được kiên cố bằng bê tông nên sau mỗi mùa mưa bị xói lở lại phải đổ đá tạm bợ như thế. Mỗi lượt khách lên đảo, những người thầu ở đây phải nhặt nhạnh thu 5.000 đồng.
Tìm hiểu được biết, hiện nay Công ty cổ phần Song Ngư Sơn đang tìm hiểu đầu tư quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, thể thao Lan Châu - Song Ngư, với mục tiêu xây dựng tại đây 1 khu du lịch biển cao cấp, chất lượng quốc tế, tổng diện tích đất xây dựng 62,6ha, tổng mức đầu tư khoảng 1800 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề năng lực nhà đầu tư cũng như tính khả thi của dự án lại vẫn đang phải xem xét.
Ông Doãn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: Vì nằm trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh doanh mùa du lịch chỉ được 3 - 4 tháng, nên việc kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp hiện rất hạn chế. Khi bỏ đồng vốn ra, doanh nghiệp tính toán sẽ thu lại được gì. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh cũng như địa phương hạn chế nên việc đầu tư thiếu tính đồng bộ. 19 năm thành lập, trong bộn bề công việc, Cửa Lò tập trung xử lý quy hoạch, môi trường, hạ tầng giao thông, du lịch, chăm lo ứng xử văn hóa của người kinh doanh. Về đầu tư ở đảo Lan Châu, lãnh đạo thị xã cho rằng vẫn chưa rõ hướng đầu tư.
Hướng đến du lịch 4 mùa của Cửa Lò đang nằm trong vòng luẩn quẩn, vì chỉ vài tháng kinh doanh nên nhà đầu tư đắn đo; song cũng vì thiếu đầu tư mà Cửa Lò chưa đa dạng được các loại hình dịch vụ cũng như điểm vui chơi hấp dẫn... Chuyên theo dõi các hoạt động du lịch, từng tham quan rất nhiều điểm du lịch trong và ngoài nước, anh Thành - Giám đốc Trung tâm lữ hành Hữu Nghị, Chi hội Trưởng Chi hội lữ hành Nghệ An cho rằng, hầu hết du khách khi chọn một điểm đến đều tìm hiểu xem nơi mình sẽ đến có gì, nên với Cửa Lò, phải tạo hình ảnh biển, Cửa Lò có gì khác biệt so với biển vùng khác. Ngoài dịch vụ cao cấp, cần đem đến cho du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống, các chương trình tham quan tìm hiểu cuộc sống dân dã của người dân địa phương, các nét độc đáo về ẩm thực, những làn điệu dân ca đã có sức sống lâu bền…
Về vấn đề này, khi được hỏi cùng với phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên bờ, thì tại sao Cửa Lò chưa phát triển các hướng như du thuyền trên sông Lam gắn với hát dân ca xứ Nghệ mà ở Huế rất thành công, hay mở hướng kết nối với tour du lịch ven sông Lam, Nam Đàn, hay Bãi Lữ (Nghi Lộc). Lãnh đạo thị xã cho rằng cái đó còn là sự vào cuộc của các ngành, địa phương khác. Chúng tôi biết đó nhưng lực bất tòng tâm, bởi đầu tư cho du lịch cần số vốn không nhỏ, trong khi nguồn lực có hạn, vả lại, điều đó chỉ mình Cửa Lò thì không làm được.
Để Cửa Lò trở thành điểm dừng chân của du khách không chỉ vào mùa hè, phải đa dạng hơn nữa và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách về nghỉ mát, đến nhu cầu vui chơi giải trí hay mua sắm... TX Cửa Lò cần tiếp tục mở rộng không gian du lịch về phía Nam, đặc biệt là phát triển các Khu du lịch sinh thái trên đảo Lan Châu có chất lượng cao. Vấn đề đặt ra là cần có cú hích, cần những nhà đầu tư có tâm, có tầm, và sự vào cuộc quyết liệt của những vị “thuyền trưởng” đưa con tàu du lịch Cửa Lò vươn khơi...
Thu Huyền