Thành phố Vinh: "Ma trận" số nhà

01/07/2013 18:31

(Baonghean) - Số nhà không những giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch dân sự, mà còn thể hiện tính khoa học, bài bản trong quản lý đô thị. Thế nhưng, ở TP Vinh hiện nay, nhiều con đường có số nhà lộn xộn, mỗi nơi một kiểu gây không ít khó khăn, phiền toái.

Đường Đào Tấn có chiều dài chỉ khoảng 3 km, đi qua địa phận các phường Đội Cung, Cửa Nam và Quang Trung. Mật độ dân cư khá thưa thớt, nhưng số nhà của đường này thì không theo một quy luật thống nhất nào. Bắt đầu con đường là nơi tiếp giáp với đường Trần Hưng Đạo có số nhà 2, 4, 6... phía bên phải, số lẻ ở bên trái giống như những con đường khác. Nhưng khi đến số nhà 38, thì bất chợt nhảy lên số 216, tiếp theo 128 thì số tụt xuống... 80.

Chính vì số nhà lên xuống bất thường như vậy, nên con đường này có rất nhiều số trùng nhau. Đơn cử như địa chỉ số 6, đường Đào Tấn có đến 3 số, thứ nhất là một nhà dân ở phường Đội Cung, số 6 thứ hai là Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An và số 6 thứ ba Nhà thi đấu thể dục thể thao Nghệ An, dù các địa chỉ này cách nhau mấy trăm mét. Ở phía cuối đường thuộc phường Quang Trung có đến 3 số nhà 59. Số 60 Đào Tấn là địa chỉ của Trung tâm Truyền số liệu, Tập đoàn VNPT, lùi lại khoảng 200m cũng có một số 60 Đào Tấn, nhưng đây lại là một... quán lẩu.





Hai địa chỉ mang số 60 Đào Tấn.

Việc đánh số ngõ cũng rất tùy tiện, không tuân thủ theo một nguyên tắc nào. Đoạn đường Đào Tấn thuộc phường Đội Cung có 3 ngõ là số 9, 16, và 25. Việc đánh số ngõ ở đoạn này dựa vào nhà bên cạnh có số nào thì ngõ mang số đó. Nhưng chỉ cách một cổng Thành, thuộc phường Cửa Nam thì lại khác. Chẳng biết dựa vào đâu mà có 3 ngõ nằm gần nhau cùng bên phải mang tên số 6, rồi sang ngõ 5 rồi lại đến ngõ số 6.

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4, Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD về nguyên tắc đánh số nhà mặt đường như sau:

1, Đánh số nhà mặt đường và trong ngõ, trong ngách được sử dụng dãy số tự nhiên. (....) Nhà bên trái lấy số lẻ, nhà bên phải lấy số chẵn.

- Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;

Lý giải cho việc đánh số nhà này, một người có trách nhiệm ở phường Cửa Nam cho rằng: “Sở dĩ có 2 ngõ số 6 gần nhau là bởi một ngõ là của khối 3, một ngõ là của khối 4 (Cửa Nam)”... Và số nhà cũng vậy, khối 3 đánh số một kiểu, khối 4 đánh kiểu khác dù đều nằm trên cùng một tuyến đường.

Bà Lan, bán nước trên đường Đào Tấn nói: “Một ngày có đến không dưới 10 người hỏi số nhà trên đường này. Dù tôi là dân ở đây, nhưng không thể biết để chỉ cho họ”. Cách duy nhất để đến tìm được nhà người thân, là gọi điện thoại ra đón. Chính vì thế mà mấy năm qua, quán bà Lan trở thành điểm hẹn của những người… đi tìm nhà.

Con đường Ngô Thì Nhậm thuộc phường Trung Đô là nỗi ám ảnh của các tài xế taxi. Bắt đầu từ phía cầu Bến Thủy, theo đường tránh Vinh khoảng 1km thì rẽ phải ngược lên đến đường Phượng Hoàng. Căn nhà đầu tiên phía bên phải, sát với lối rẽ ở đường tránh Vinh có số 31. Nhà cuối giáp đường Phượng Hoàng có số 241 bên phải, và 252 bên trái.

Một con đường giao nhau với đường Ngô Thì Nhậm tạo thành một ngã ba cũng mang tên: Ngô Thì Nhậm. Suốt con đường này chỉ có nhà ở bên trái, bên kia là vách núi nên nhà ở đây chỉ có số lẻ. Số nhà đang theo thứ tự đến số 57 thì tụt xuống số 2, rồi nhảy sang số 65, rồi lại xuống số 2. Vũ điệu lên xuống được lặp lại đến 4 lần, nên có đến 4 ngôi nhà mang số 2.

Như vậy, phường Trung Đô có 2 con đường giao cắt, vuông góc với nhau đều mang tên Ngô Thì Nhậm. Do đường mới và cũ, nên số nhà trên 2 con đường này trùng nhau hoàn toàn. Chưa hết, khi con đường này cách đường Nguyễn Du khoảng 400 m, thì đường mang tên Trần Cảnh Bình, mặc dù không hề có ngã ba, hay ngã tư giao cắt nào. Vậy là một con đường có chiều dài khoảng 2 km, nhưng có đến 2 tên đường được đặt cho nó.

Còn một con đường nữa mà số nhà quá nhiều bất cập. Đó là đường Ngô Đức Kế, thuộc phường Hồng Sơn và Vinh Tân quản lý. Có thể gọi đây là con đường độc nhất vô nhị ở Thành phố Vinh, bởi không có số nhà chẵn. Nhất là tại điểm giao cắt Ngô Đức Kế - Lê Mao.

Theo hướng Tây - Đông, những ngôi nhà ở bên trái con đường này chịu sự quản lý của phường Hồng Sơn, được đánh số nhà từ 1 đến 233. Phía bên phải đường thì ngược lại, nhà số 1 được bắt đầu từ dưới lên theo hướng Đông- Tây, đối diện với nhà số 233. Số nhà hai bên đường đều là số lẻ.

Với cách đánh số như vậy nên đường Ngô Đức Kế, một số nhà nhưng trùng lặp đến 3 lần. Trong khi đó, những nhà trùng số này lại nằm ngược nhau, nên nếu có tìm được cũng phải tốn khá nhiều công sức.

Ngoài những con đường đã nêu ra ở trên, còn rất nhiều những con đường khác có hiện tượng tương tự. Đặc biệt là những con đường dài, đi qua nhiều phường xã, thì hầu hết đều có sự trùng lặp số nhà.

Rõ ràng việc trùng lặp, lộn xộn số nhà đã làm lãng phí rất nhiều thời gian, vật chất. Không những thế, việc số nhà không thể kiếm tìm còn ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự. Chị Bích Thủy, PV của một tờ báo nhà ở đường Đào Tấn kể: “Vì nhu cầu công việc, em mua trả góp một chiếc máy ảnh. Do không tìm thấy nhà, nghĩ đây là địa chỉ ma nên họ đã từ chối hợp đồng”.

Anh Định, lái xe taxi hãng Mai Linh nói: “Khổ nhất là có khách gọi xe ở những con đường có số nhà lộn xộn. Khách di chuyển khoảng 5 km, nhưng bọn em phải ngược xuôi hai ba lần, mất khoảng 4 km mới tìm ra số nhà để đón khách”.

Việc đánh số nhà, đặt tên đường hiện nay theo Quyết định số 05/2006/QĐ- BXD của Bộ Xây dựng ban hành. Tại Thành phố Vinh hiện nay, việc tổ chức đánh số nhà ở các tuyến đường được ủy quyền cho UBND phường, xã tổ chức thực hiện. Nhưng rõ ràng sự phối hợp giữa các địa phương có đường chạy qua chưa thật sự tốt, mỗi phường làm một kiểu nên dẫn đến các số nhà trên cùng một con đường lộn xộn.

Thiết nghĩ, Thành phố Vinh cần tổ chức rà soát lại, có phương án đánh lại số nhà ở các con đường có số nhà trùng lặp, lộn xộn. Sự phối hợp giữa các phường, xã phải bảo đảm tính khoa học, thông suốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm địa chỉ nhà của người dân. Ngoài việc tuân thủ theo Quyết định 05/2006/QĐ- BXD của Bộ Xây dựng, nên chăng cần có sự tham khảo, học tập việc đánh số nhà ở các thành phố lớn khác. Tránh gây nên sự phiền hà, lãng phí không đáng có từ “ma trận” số nhà như hiện nay.