Xung quanh vụ gây rối ở Nghi Phương (Nghi Lộc): Ông Nguyễn Thái Hợp đã làm gì ?!

05/09/2013 20:14

>Nhất định không “rơi” vào “bẫy” chia rẽ lương – giáo
-->>Đoàn kết không có nghĩa là đồng lõa, bênh vực cho những sai phạm



Giám mục Nguyễn Thái Hợp trong một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Trong khi đó, tối ngày 22/5, khi xảy ra vụ việc phá nhà anh Sơn và đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật tại Trại Gáo (Nghi Phương, Nghi Lộc), các cấp chính quyền đã nhiều lần điện cho Giám mục Hợp đến phối hợp giải quyết.

Khoảng 22 giờ cùng ngày, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, linh mục Nguyễn Đoài –Phó Chánh văn phòng Toà giám mục đã đến nơi xảy ra vụ việc. Nhưng tại đây, Giám mục Nguyễn Thái Hợp không cho giải cứu, cấp cứu 3 cán bộ công an bị thương nặng ngay, mà lại chỉ đạo Hội đồng mục vụ giáo họ Trại Gáo lập biên bản với nội dung vu khống lực lượng công an ngăn cản không cho giáo dân hành lễ. Linh mục Nguyễn Đoài đã đọc cho chức việc viết biên bản có nội dung xuyên tạc, nhưng các cán bộ công an đã không ký vào biên bản có nội dung bịa đặt này. Khi các cán bộ công an không ký vào biên bản, Giám mục Nguyễn Thái Hợp uy hiếp “sau 10 phút các anh không ký, tôi về, mọi chuyện giáo dân tự giải quyết”.

Mãi đến 0 giờ ngày 23/5/2013, để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình, các cán bộ công an buộc phải ký vào biên bản. Lúc ấy, Giám mục Hợp mới gọi ô tô của giáo dân trong xã Nghi Phương chở 3 đồng chí bị giữ trái pháp luật tại nhà văn hoá xóm 13 về trụ sở công an huyện. Khi đó những người bị thương nặng mới được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Như vậy, việc Giám mục Hợp có mặt tại nơi xảy ra sự việc để phối hợp giải quyết vấn đề theo đề nghị của các cấp chính quyền là điều đáng hoan nghênh. Nhưng lẽ ra với vai trò là người có uy tín, thấy sự việc sai trái của các giáo dân, Giám mục Hợp phải đứng ra khuyên bảo giáo dân và cứu người bị hại thì ông lại ra điều kiện với những người đang bị khống chế, hơn thế còn đang bị thương, bị đe doạ về tính mạng phải thừa nhận một sự việc bịa đặt là việc làm trái với lương tâm, đạo đức của một người bình thường.

Sau vụ việc gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, ngày 25/5/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ngày 3/6/2013 đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Ngô Văn Khởi sinh năm 1960, trú tại xóm 14 xã Nghi Phương và Nguyễn Văn Hải sinh năm 1970, trú tại xóm 12 xã Nghi Phương về tội "gây rối trật tự công cộng", quy định tại điều 245 Bộ Luật hình sự.

Đến ngày 27/6/2013, đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Ngô Văn Khởi và bị can Nguyễn Văn Hải để phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật. Sau khi bắt các bị can, đồng chí Vũ Chiến Thắng-Phó Giám đốc Công an tỉnh đã điện thoại thông báo cho Giám mục Hợp và khẳng định là công an đã tiến hành bắt các bị can đúng pháp luật. Giám mục Hợp nói lại rằng: các anh bắt không được đàng hoàng lắm.

(Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành bắt các bị can Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi theo đúng quy định của điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu; Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người… Việc một số chiến sỹ mặc thường phục là để hỗ trợ các chiến sỹ mặc đồng phục – điều này cũng được quy định và đúng theo nghiệp vụ của cơ quan công an).

Còn việc ông Hợp nói công an bắt sai người, bắt một người thông báo một người là không đúng, bởi ở xã Nghi Phương có 2 người có tên là Ngô Văn Khởi, một người sinh năm 1963 ở xóm 13 và người bị bắt là Ngô Văn Khởi sinh năm 1960 ở xóm 14. Khi bắt đối tượng Ngô Văn Khởi sinh năm 1960 ở xóm 14 trên lệnh bắt đã ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán đầy đủ. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Ngô Văn Khởi đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên không thể nói công an bắt sai người. Còn việc nói bắt một người thông báo một người, cơ quan công an cũng thừa nhận có sơ suất trong khi viết địa chỉ lên phong bì gửi về xã, nhưng khi phát hiện sai đã thu hồi và sửa chữa ngay chứ chưa đưa đến địa chỉ ghi trên phong bì, hiện gia đình và giáo hội cũng không có văn bản mà họ nói là công an làm sai bởi văn bản này đã được thu hồi và sửa ngay sau khi phát hiện.

Tại cuộc làm việc với đại diện Công an tỉnh, Giám mục Hợp đề nghị “cho 2 đối tượng về với gia đình” cũng là một cách nói không rõ ràng, dễ tráo trở, vì dùng thuật ngữ “cho về” khác với việc “bảo lãnh” và cho “tại ngoại”. Đòi hỏi này là trái với quy định của pháp luật. Sau khi đưa ra những yêu cầu vô lý, có tính bao che cho những sai phạm của các bị can trong vụ gây rối ngày 22/5, Giám mục Hợp đã nói: Tôi đã làm hết trách nhiệm, nếu các ông không thả người, tôi sẽ để cho dân thực hiện theo quyền của họ.

Sau đó, nhiều giáo dân đã viết đơn cho rằng công an bắt người theo kiểu xã hội đen và yêu cầu thả người... (hầu hết những nội dung trong đơn của các giáo dân đều giống như những đòi hỏi mà Giám mục Hợp từng đưa ra-pv). Ngày 11/7/2013, Ban hành giáo xứ và Ban hành giáo 4 họ (Nghi Phương, Nghi Lộc) gồm 15 người đến gặp thường trực UBND xã làm việc với nội dung thanh minh sự việc xảy ra ngày 22/5 là không có việc bắt giữ, đánh đập, mà là họ đã “bảo vệ” các chiến sỹ công an! (tuy nhiên không nói rõ là bảo vệ bởi sự nguy hiểm nào?!). Và đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc. Ngày 13/7/2013, tại nhà thờ giáo xứ Mỹ Yên và nhà thờ giáo họ Thanh Sơn đã treo băng rôn nội dung “Giáo xứ Mỹ Yên kịch liệt phản đối hành động bắt người trái phép của chính quyền huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An”…



Giám mục Nguyễn Thái Hợp ngày đầu về nhậm chức ở Tòa giám mục giáo phận Vinh.

Và sự việc càng ngày càng phức tạp hơn sau khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp có chuyến công du từ nước ngoài về vào ngày 26 tháng 8 vừa qua.

Trong khi Bộ Công an không hề có sự hứa hẹn nào về việc thả 2 bị can trong vụ việc ngày 22/5 thì Giám mục Hợp lại nói với các giáo dân rằng, ông đã trao đổi với đại diện Bộ Công an và họ đã hứa sẽ thả người, nhưng Công an và chính quyền tỉnh Nghệ An chưa đồng ý. Giám mục Hợp cũng “hứa hẹn” với các giáo dân: Các con cứ đợi đến ngày 4/9, Cha sẽ làm hết trách nhiệm của mình, nếu cha không làm được (đòi thả người vô điều kiện-pv) thì các con muốn làm gì thì làm.

Chính những lời nói kích động này của ông Nguyễn Thái Hợp đã trở thành "chất xúc tác" tạo nên các vụ gây rối gần đây của một số giáo dân quá khích ở Nghi Phương (Nghi Lộc) mà đỉnh điểm là việc kéo đông người lên trụ sở UBND xã gây rối, lăng mạ cán bộ xã vào ngày 30/8; bao vây trụ sở UBND xã và giữ người trái pháp luật ngày 3/9 và vụ bạo loạn khiến nhiều người bị thương ngày 4/9 vừa qua!

Trong các ngày 3/9 và 4/9, lãnh đạo tỉnh đã có công văn mời ông Nguyễn Thái Hợp đến UBND tỉnh tham dự cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh để phối hợp giải quyết sự việc xảy ra ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc) và cử người trực tiếp đưa đến tận Toà giám mục, nhưng Giám mục Hợp vẫn từ chối không hợp tác mà để mặc giáo dân muốn làm gì thì làm!



Giám mục Nguyễn Thái Hợp tại buổi tấn phong Giám mục phụ tá
Nguyễn Văn Viên

Với vai trò là Giám mục Giáo phận Vinh và là Chủ tịch Uỷ ban công lý và hoà bình Hội đồng Giám mục Việt Nam, liệu những việc làm trên đây của ông Nguyễn Thái Hợp đã đúng với những trọng trách mà Giáo hội giao phó cho ông và bộ y phục ông đang “khoác” lên mình hay chưa?.


Nhóm phóng viên