Cần có chính sách hợp lý hơn trong nông nghiệp - nông thôn

03/09/2013 21:07

(Baonghean) - Cùng tham gia đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh mới đây, chúng tôi vừa có cái nhìn “cận cảnh” vừa bao quát về xây dựng nông thôn mới (NTM) và chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp theo Quyết định số 28/2011/NQ-HĐND tỉnh.

Điều dễ nhận thấy là kết quả xây dựng NTM chưa có sự đồng đều về tốc độ giữa các xã. Chẳng hạn huyện Anh Sơn, bên cạnh một số xã Lĩnh Sơn, Thạch Sơn, Hội Sơn, Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Tào Sơn có tăng vượt 3 - 6 tiêu chí so với thời điểm đầu triển khai NTM thì vẫn có một số xã “dẫm chân tại chỗ” và không có bước tiến nào về tiêu chí, như Vĩnh Sơn, Long Sơn, Thanh Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn; thậm chí xã Hoa Sơn còn có bước thụt lùi giảm 1 tiêu chí.

Tương tự ở huyện Con Cuông có 4 xã tăng 2 tiêu chí, 5 xã tăng 1 tiêu chí và 3 xã không tăng tiêu chí nào. Ở hầu hết các xã mới quan tâm cho dồn điền, đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT, giao thông nội đồng…, chứ chưa chú trọng đến mục tiêu cốt lõi của NTM là phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân vùng nông thôn. Vấn đề cơ sở hạ tầng, mới chỉ là điều kiện cần của NTM, còn điều kiện đủ phải chính là thu nhập của người dân. Ông Trần Quốc Chung – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, tỏ ra lo lắng: Mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2015 có khoảng 20% xã về đích NTM và 2020 là 50% xã.

Theo đó, đến 2015 toàn tỉnh phải có 20% xã về đích, tương đương 90 xã là cực kỳ khó khăn. Hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ được xã Sơn Thành, huyện Yên Thành được đánh giá là hoàn thành bộ tiêu chí NTM. Khó khăn ở đây là thiếu nguồn lực, việc xây dựng NTM cần rất nhiều nguồn lực cho cơ sở hạ tầng GTNT, giao thông nội đồng, thủy lợi, xây dựng thiết chế văn hoá… Theo Quyết định 800 của Chính phủ, nguồn lực được huy động, gồm Nhà nước, doanh nghiệp, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn khác và dân đóng góp, nhưng thực tế ở các địa phương nguồn dân đóng góp vẫn là chủ yếu.


Trong xây dựng NTM, các địa phương chỉ mới chú trọng tiêu chí GTNT.

Cũng trong quá trình tham gia cùng đoàn giám sát, chúng tôi cũng nhận thấy bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách nông nghiệp theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh đang còn dàn trải, nhỏ lẻ, trong khi đó hồ sơ thủ tục thanh quyết toán rườm rà, phức tạp. Đơn cử như chính sách ni - lông phủ mạ, mỗi gia đình chỉ có ít mét vuông đất làm mạ nhưng xã phải điều tra, tổng hợp ở từng hộ, rồi làm hồ sơ với 4 bộ cho xã, huyện, tỉnh.

Có một số chính sách chưa được xem xét trên cơ sở nhu cầu, khả năng thực hiện ở mỗi địa phương mà đang còn kiểu “ấn định”, ra kế hoạch, dẫn đến có chính sách hỗ trợ địa phương không cần vẫn chuyển về. Việc cấp nguồn hỗ trợ đang còn cứng nhắc, bó khung, chưa tạo thế mở, chủ động trong quá trình thực hiện tăng, giảm ở các huyện. Chẳng hạn như chính sách làm vụ đông lâu nay có huyện không thực hiện được, có huyện làm rất tốt nhưng nguồn hỗ trợ cấp bù diện tích tăng thêm cho các đơn vị làm tốt chưa thỏa đáng. Cùng với đó, định mức hỗ trợ một số chính sách bất cập trong thực tiễn, như chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu bò hàng hóa quá thấp, nên cần nâng mức hỗ trợ lãi suất từ 4 triệu đồng/con/năm lên 10 triệu đồng/con/năm. Hay cây chè cần tăng mức hỗ trợ tiền làm đất từ 2 triệu đồng lên 6 triệu đồng/ha; hỗ trợ giá giống 200 đồng/bầu lên 500 đồng/bầu….

Liên quan đến vấn đề chính sách nông nghiệp, ông Nguyễn Công Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng cần đổi mới tư duy trong vấn đề làm chính sách, quan trọng là hỗ trợ để chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Còn chính sách hiện hành chỉ có thể coi là đó như là một chính sách xã hội, như khi mưa lũ xuống thì hỗ trợ giống ngô, lúa, lạc; trời rét đậm thì hỗ trợ ni - lông phủ mạ…

Cùng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Khắc Xuân – Trưởng phòng Tài chính huyện Anh Sơn, cho rằng: Với điều kiện một tỉnh nghèo như Nghệ An, cơ chế chính sách nông nghiệp không nên dàn trải, mà cần tập trung mũi chủ yếu trên cơ sở quy hoạch cây, con của tỉnh để lựa chọn và áp dụng chính sách cụ thể cho từng địa bàn, từng vùng với các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.

Còn theo ông Vi Lưu Bình – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cái gọi là chính sách lâu nay nói đúng hơn mới chỉ là kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Chính sách xã hội thì nên đầu tư trực tiếp cho người dân, còn chính sách phát triển nông nghiệp muốn có hiệu quả phải là các chính sách hỗ trợ thông qua doanh nghiệp, để doanh nghiệp có trách nhiệm từ khâu chọn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân như cách triển khai cánh đồng mẫu hiện nay. Hay như hỗ trợ cho cây chè thông qua doanh nghiệp để đưa giống, kỹ thuật cho dân để đảm bảo công suất tốt, bao tiêu, chế biến chè, nâng cao thu nhập của người dân…

Quá trình giám sát thực tiễn đặt ra những bất cập đang được đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận, tổng hợp để báo cáo với HĐND tỉnh xem xét, trên cơ sở đó đề xuất với các ngành liên quan nghiên cứu đưa ra các biện pháp, giải pháp đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM về đích; đồng thời tạo ra những chính sách thật sự có ý nghĩa tạo động lực, kích cầu ngành nông nghiệp – nông thôn Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn.


Bài, ảnh: MINH CHI