Chế độ thú y cơ sở: Cần quan tâm thỏa đáng
(Baonghean) - Là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển với tổng đàn lớn. Vì vậy, mạng lưới thú y cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chế độ cho thú y cơ sở hiện nay chưa tương xứng với công việc mà họ đảm nhiệm. Thực tế này đang cần lời giải từ phía các cơ quan chức năng.
Cán bộ thú y cơ sở được xem là lực lượng không thể thiếu trong công tác duy trì bền vững sự phát triển của nền chăn nuôi. Thông tư số 04/2009/TT- BNN của Chính phủ quy định: Lực lượng thú y xã có chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề, đó là theo dõi, kiểm tra, phát hiện, tổng hợp và thông báo dịch kịp thời. Xây dựng biện pháp, kế hoạch huy động lực lượng. Tổ chức, hướng dẫn thú y viên, người chăn nuôi thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, điều trị gia súc ốm. Quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, công tác VSATTP trên địa bàn xã. Đồng thời, lập kế hoạch và tham mưu UBND các xã lên kế hoạch quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y theo quy định pháp luật...
Nghệ An có địa bàn rộng, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, khoảng 750 ngàn con trâu bò, trên 1,2 triệu con lợn và 15 triệu con gia cầm. Chăn nuôi đang dần trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp (trên 41%). Tuy nhiên, địa hình nằm trên nhiều tuyến quốc lộ, hoạt động giao thương, buôn bán sản phẩm động vật diễn ra thường xuyên, đặc biệt, tỉnh ta có nhiều chợ buôn bán trâu bò lớn, nhiều cơ sở thu gom, trung chuyển gia súc, gia cầm lớn nên nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh khá cao.
Thú y cơ sở (Ban thú y xã) được thành lập năm 1994, theo Quyết định 957/QĐ.UB của UBND tỉnh. Để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, chế độ, cách tổ chức hoạt động của lực lượng thú y trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 117/2006/QĐ.UBND về việc phê duyệt Đề án "Tổ chức Ban nông nghiệp và PTNT cấp xã". Theo đó, Ban thú y xã là một thành viên nằm trong Ban nông nghiệp, có Trưởng ban phụ trách chung và một số thú y viên cơ sở (mỗi xã có 3-7 người). Toàn tỉnh hiện có 477 nhân viên thú y cấp xã là trưởng ban và trên 1950 thú y viên. Trong đó, 4,4% tỷ lệ đã được đào tạo qua đại học (21 người), 83,4% trình độ trung cấp (380 người), 12,2% trình độ sơ cấp (56 người).
Theo đánh giá của ông Đặng Văn Minh- Phó Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, so với quy mô phát triển chăn nuôi hiện nay ở tỉnh ta, đội ngũ thú y hiện có chưa đủ về số lượng. Cơ bản các xã đều có cán bộ Trưởng thú y song không duy trì được đội ngũ "chân rết" là thú y viên cơ sở. Ngay tại các vùng chăn nuôi phát triển mạnh như Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc... lực lượng thú y viên nhiều xã gần như không hoạt động. Năng lực, trình độ chuyên môn còn yếu, thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 6/2013, toàn tỉnh đã xẩy ra dịch LMLM tại 18 huyện, 66 xã, dịch tai xanh xẩy ra tại 16 huyện, 124 xã và dịch cúm gia cầm xảy ra tại 26 huyện, 94 xã, buộc tiêu hủy hàng chục con trâu bò, hàng ngàn con lợn và hàng trăm ngàn con gia cầm, thiệt hại trên 25 tỷ đồng của bà con nông dân.
Vai trò giám sát, báo dịch của đội ngũ thú y cơ sở thiếu tích cực. Điển hình như các ổ dịch LMLM năm 2009 ở Anh Sơn, năm 2010 ở Tân Kỳ hay như ổ dịch tai xanh năm 2010 ở Yên Thành... dịch xẩy ra trên diện rộng mới được thú y báo lên. Nhiều cán bộ thú y cố tình dấu dịch để điều trị, dẫn đến khai báo dịch chậm trễ, xử lý dịch không kịp thời, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Điều này đã chứng minh tính chủ động cũng như hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao.
Ông Nguyễn Hữu Quốc- Trạm trưởng Trạm thú y huyện Nam Đàn, cho biết: Toàn huyện hiện có trên 2 ngàn con trâu bò, gần 3 ngàn con lợn, trên 110 ngàn con gia cầm tập trung trong 450 trang trại vừa và nhỏ quy mô hộ gia đình, 4 trang trại chăn nuôi lớn theo dự án, quy mô 1 ngàn con/trại trở lên. Tính đến thời điểm tháng 7/2013, toàn huyện có 144 nhân viên thú y thuộc Ban thú y các xã, trong đó có 24 trưởng ban , còn lại thú y viên thôn xóm. Nhiều xã Nam Phúc, Xuân Lâm, Nam Thượng... không có thú y viên, rất khó khăn cho hoạt động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nhân viên thú y được đào tạo chủ yếu trung cấp, sơ cấp và các lớp tập huấn ngắn hạn, nên năng lực xử lý, giám sát, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn hạn chế, nhất là tại các điểm có nguy cơ mất an toàn về dịch bệnh cao như Vân Diên, Nam Thanh, Kim Liên, Nam Lĩnh...
Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Anh Tuấn - xóm 8, Lĩnh Sơn (Anh Sơn)
Thiếu về số lượng, chế độ lương phụ cấp cho đội ngũ thú y viên không đảm bảo là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cán bộ thú y thiếu mặn mà với công việc. Đội ngũ cán bộ thú y trên địa bàn tỉnh tồn tại theo cơ chế hợp đồng của UBND xã. UBND huyện phê duyệt sau khi có ý kiến tham mưu của Trạm thú y cấp huyện. Thời gian hợp đồng làm việc không dưới 5 năm. Theo tinh thần nội dung Công văn 1569/TTg- BNN (năm 2007) của Chính phủ, nhân viên thú y trong Ban nông nghiệp cấp xã được bố trí lương tối thiểu tương đương hệ số 1. Do khó khăn về ngân sách nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 58/QĐ- UBND về việc cho nhân viên thú y (Trưởng thú y xã) hưởng lương phụ cấp với hệ số là 0,5%, tương đương 525 ngàn đồng/tháng.
Với mức lương trợ cấp này không đủ chi phí xăng, xe, điện thoại... của nhân viên thú y. Chị Võ Thị Luyến- Trưởng ban thú y xã Hưng Xá (Hưng Nguyên), bộc bạch "Nhiều đợt dịch LMLM, xã không có thú y viên nên một mình phải chạy suốt trên đường. Mỗi năm, phải tổ chức tiêm phòng 7 lần, chưa kể phải phun tiêu độc khử trùng 2 lần/năm. Trong các đợt dịch, phải tiêm bổ sung vác xin LMLM, tai xanh, Cúm gia cầm, báo dịch hàng ngày cho Trạm thú y. Hàng tháng giao ban 1 lần tại Trạm thú y huyện...". Với khối lượng công việc như thế, phụ cấp hiện thời thấp không đủ xăng đi lại. Xã Trung Sơn (Đô Lương) - địa phương khá nhạy cảm với dịch tai xanh trên đàn lợn. Toàn xã hiện có tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn, quy mô 10 - 30 con/hộ.
Ông Phan Văn Danh- Trưởng ban thú y xã, cho biết: " Hiện đội ngũ thú y cơ sở có 4 người, nhưng trong các chiến dịch dập dịch cũng khó điều vì họ đi làm phụ hồ hết. Mà điều nhân viên đi làm cũng không có kinh phí trả công. Nhiều người dân chưa nhận biết được dấu hiệu khi lợn bị tai xanh nên Trưởng thú y xã phải đích thân kiểm tra từng chuồng nuôi. Sau đó, phải triển khai tiêm bổ sung vác xin khẩn cho đàn lợn trong toàn xã. "Mỗi ngày được hưởng gần 17 ngàn đồng từ chế độ lương phụ cấp, không được tham gia đóng bảo hiểm. Nếu không yêu nghề thì cũng khó có thể gắn bó với công việc lâu dài được."..
Tại huyện Đô Lương, do chế độ phụ cấp không đáp ứng nhu cầu và tính chất công việc đặc thù, hiện có 6 cán bộ Trưởng thú y xin nghỉ việc. Nhiều xã có phong trào chăn nuôi mạnh như Giang Sơn Đông, Tân Sơn, nhân viên thú y chưa được bố trí, sắp xếp hoạt động ổn định. Tại các xã Nam Cường, Nam Phúc huyện Nam Đàn, đồng chí trực Đảng kiêm luôn vai trò Trưởng thú y xã... Nhiều xã phải thường xuyên thay đổi cán bộ Trưởng thú y, dẫn đến việc lơ là công tác giám sát dịch bệnh. Toàn huyện Nam Đàn mới chỉ có 1/24 cán bộ Trưởng thú y được tham gia đóng BHXH...
Bên cạnh đó, đội ngũ thú y viên cơ sở hoạt động đa phần mang tính hợp đồng thời vụ, tùy thuộc vào điều kiện bố trí kinh phí của từng xã. Ông Bùi Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến (Nam Đàn), cho biết: Với tổng đàn chăn nuôi lớn, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Hiện nay, xã mới chỉ có 2/4 cán bộ thú y viên . Chế độ trợ cấp cho mỗi thú y viên được hưởng theo hỗ trợ trong đề án của huyện với hệ số 0,2 mức lương tối thiểu, tương đương 100 ngàn/tháng. Nguồn này được trích từ dịch vụ công tiêm phòng của chính thú y cơ sở. Do ý thức người dân chưa coi trọng công tác tiêm phòng nên nguồn thu từ dịch vụ tiêm phòng theo đầu con/hộ chăn nuôi trong năm rất khó triển khai.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xã không thể bố trí được kinh phí để xây dựng mạng lưới thú y viên đáp ứng theo yêu cầu. Tại các huyện miền núi cao như Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ…, thú y cơ sở thôn bản không có chế độ trợ cấp. Hiện nay, nhìn chung đa số đội ngũ thú y viên cơ sở trên toàn tỉnh chưa có phụ cấp, thu nhập chủ yếu từ thù lao dịch vụ công. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương đã quan tâm đội ngũ cán bộ thú y bằng cơ chế chính sách cụ thể, dù còn thấp. Như huyện Nam Đàn ban hành Quyết định số 4691/QĐ - UBND về việc thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới thú y cấp xã giai đoạn 2012 - 2016". Theo đó, huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ thêm cho Trưởng thú y cấp xã 0.3% hệ số lương tối thiểu, thú y viên cơ sở được hỗ trợ 0,2% hệ số...
Chế độ thấp, không có chế độ, làm việc trong môi trường không có cơ chế quản lý cụ thể… Những khó khăn này đã dẫn đến công tác giám sát dịch kém, báo dịch không kịp thời, làm lây lan trên diện rộng tại các địa phương. Qua trao đổi với ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Thú y tỉnh, để bảo đảm cán bộ thú y cơ sở hoạt động có hiệu quả, gắn bó với công việc, tỉnh và các cấp ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp cụ thể.
Đó là cần có sự thống nhất trong việc giao cho Trạm thú y huyện quản lý trực tiếp về chuyên ngành và trả phụ cấp trực tiếp đối với nhân viên thú y cơ sở. Đưa vào cơ chế biên chế công chức cho cán bộ Trưởng thú y xã để họ gắn bó lâu dài với công việc. Cán bộ, nhân viên thú y cần được quan tâm đóng BHXH. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ thú y cơ sở theo 2 hướng, đó là bổ sung kinh phí tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường công tác quản lý bằng chế tài xử phạt đối với đội ngũ thú y hành nghề tự do không có chứng chỉ.
Thiết nghĩ, việc quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh ta cũng là nguyện vọng chính đáng của bản thân mỗi cán bộ làm công tác thú y. Đồng thời là động lực để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Lương Mai