Một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa

02/08/2013 16:57

Cây lúa được chia thành hai giai đoạn sinh trưởng, phát triển nên biện pháp chăm bón cần thực hiện là:


Giai đoạn 1 từ gieo mạ đến làm đòng. Song thời kỳ quan trọng và quyết định là thời điểm lúa đẻ nhánh. Nhằm đạt số nhánh lớn nhất, tập trung nhất để tăng số dảnh cho bông cao nhất. Thời kỳ lúa đẻ nhánh yêu cầu cung cấp lượng đạm từ 85- 90% tổng mức yêu cầu đầu tư. Vì vậy cách bón phân hợp lý là: Bón lót 100% phân chuồng hoai, lân, vôi, phân đạm urê 2-3kg và 1-2 kg kali/sào (nếu bón NPK thì phải bón 30- 35 kg NPK loại 5-8-5 hay 5-10- 3 hoặc 6-8-4- NPK Hữu Nghị thì từ 10- 12 kg/sào và không phải bón lót đạm và kali nữa).

Bón thúc cho lúa đẻ nhánh yêu cầu từ 5-7 kg đạm urê và 1,5- 2kg kali/sào, hoặc phân NPK cao cấp của Hữu Nghị, Tiến Nông lượng 10 kg/sào loại 20- 5- 10 hay 15- -5- 10; 13- 13- 13. Bón gọn một lần khi lúa hồi xanh ra lá mới. Khi bón cần chú ý điều chỉnh mực nước nông từ 3-7cm và giữ đều trong 20 - 25 ngày. Bón phân nên bón vào sáng sớm hoặc chiều mát và gắn với sục bùn để lưu giữ phân trong đất an toàn, tránh thất thoát.

Trong quá trình lúa đẻ nhánh (trên dưới 25 ngày kể từ khi bón thúc đẻ) cần giữ ẩm đều 90- 100%. Không để khô hạn hoặc ngập úng nhiều ngày. Để giảm chi phí đạm, kali và tạo thế cho lúa đẻ nhanh gọn, đồng thời có thể kết hợp phun phòng trừ sâu hại.

Về sâu bệnh hại ở giai đoạn này thì chủ yếu là sâu cuốn lá, đục thân lứa 2, 3 của năm. Thường thường mật độ còn thấp mà cây lúa lại phát triển nhanh nên chủ yếu là phun phòng và diệt bằng biện pháp thủ công.

Vào giai đoạn hai: Lúa từ đứng cái làm đòng đến trổ chín. Đây là giai đoạn quyết định đến khả năng cho năng suất cao nhất. Cây lúa làm đòng; thời gian tạo gié, tạo hoa, hạt rất cần lượng dinh dưỡng cân đối và quan trọng số 1 là phân kali để tăng quá trình quang hợp – hô hấp tạo thế cho các yếu tố cấu thành sản phẩm (bông to, nhiều gié, nhiều hạt, hạt đều và trổ thoát nhanh).

Vì vậy lượng phân bón chủ đạo là phân kali đỏ từ 4-7 kg/sào (nếu lúa thiếu dinh dưỡng, cây vàng thì bón 1,5- 2kg đạm urê) hay từ 10- 12kg/sào. Chú ý khi bón cần nhìn cây, lá lúa, cây tròn gốc, lá vươn thẳng, nhọn, lá hơn và thắt eo, mực nước nông 5-7 (10 cm) và bón vào buổi chiều mát.

Về biện pháp phòng trừ sâu bệnh thì ở giai đoạn này rất quan trọng. Nếu không triệt để thực hiện thì dễ bị thất thiệt và có khi bị thất thu. Vì sâu hại rất nhiều đối tượng như sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu.., bệnh hại khô vằn, bạc lá, đen lép hạt... gây hại.

Nguyên nhân là do tác động của thời tiết, chế độ chăm sóc không cân đối nên dư thừa đạm trong cây, độ ẩm cao là yếu tố tác động thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và ở mức tỷ lệ cao vào cuối vụ sâu cuốn lá, đục thân lứa 4 - 5- 6 trong năm tăng đột biến cả về quy mô và mật độ. Do đó dễ gây thành dịch và làm thất thu sản lượng cục bộ trên diện tích hẹp.

Chính vì vậy, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn này là: Kiểm tra, theo dõi mức độ phát sinh sâu bệnh thường xuyên, định kỳ để có biện pháp phòng trừ triệt để. Chấp hành theo sự chỉ đạo của xã, HTX nông nghiệp trên cơ sở thông báo, chỉ đạo của tỉnh, huyện. Trước khi lúa trổ 12- 15 ngày cần tuyệt đối và triệt để phun trừ sâu hại. Yêu cầu thực hiện đúng kỹ thuật về nồng độ, liều lượng thuốc và phun phủ kín đồng đều.


Theo baothanhhoa - LY