Kỳ 2: Gây sức ép cho chính quyền!

22/07/2013 17:12

>Kỳ 1: Trách nhiệm thuộc về chính quyền cơ sở

Điển hình cho tình trạng này là kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp tại phường Bến Thủy (TP Vinh). Các hộ dân khiếu kiện không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và không sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất cũng như nhiều năm liền trước đó, các hộ không chỉ rõ được diện tích cần bồi thường là bao nhiêu… Vụ việc này đã tổ chức tới 8 lần đối thoại giữa chính quyền và các hộ dân, có những lần như ngày 16/5/2013 còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Chính quyền cơ sở cũng vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu và chấp hành pháp luật nhưng họ vẫn không nhất trí.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2013, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh là 236 vụ việc, các cấp, các ngành đã giải quyết được 198 vụ việc, trong đó có 24/198 vụ việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết lần 2; 7/24 vụ việc giải quyết lần 2 nhưng công dân vẫn chưa chấp nhận. Nhiều vụ việc, chỉ cần thẩm quyền cấp huyện giải quyết, như việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình, giữa gia đình và chính quyền xã, nhưng những người viết đơn khiếu nại, khiếu kiện vẫn gửi lên cả… Trung ương. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần với nhiều biện pháp khác nhau, đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, và tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho biết: Do nhận thức sai, hoặc cố tình, một số người làm đơn gửi vượt cấp với mục đích để gây sức ép, yêu cầu cấp trên chỉ đạo cấp dưới giải quyết, khi không đạt được nguyện vọng của mình thì quay lại tố cáo những nơi mình gửi đơn là cố tình che dấu sự việc.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Nhâm - Chánh Thanh tra tỉnh nói: Trong các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, có nhiều đơn thuộc về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù, người dân thường có tâm lý “Gây sức ép cho chính quyền, đòi được thì ăn, không đòi được thì thôi” nên gửi đơn khắp nơi. Có đơn thành phần kính gửi dài cả trang A4, liệt kê từ các cơ quan chính quyền, các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.

Ông Trương Xuân Tý - Chánh Thanh tra TP Vinh nhận xét: “Có những yêu cầu của người dân chưa có cơ sở. Cứ muốn đòi nữa để cấp trên giải quyết thêm cho mình. Như trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân thấy người khác được đền bù, mình không có giấy tờ chứng cứ gì cũng đòi đền bù. Có những người cho rằng đất đai ở vùng đó trước cha ông mình có sử dụng, bây giờ doanh nghiệp đầu tư vào, cắt đất bán thì mình cũng phải được một phần… Có người thiếu hiểu biết, nhưng cũng có người cố tình”.

Ông Lê Quốc Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng: “Từ khi đất có giá thì tình trạng xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều. Vì đất có giá nên đạo đức xuống cấp, có gia đình anh em, cha con kéo nhau ra tòa, tranh nhau từng mét đất. Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ qua các thời kỳ. Có nơi lưu lại hồ sơ, có nơi không có, hoặc hồ sơ không đầy đủ dẫn đến nhiều vụ việc khó xác định, kéo dài thời gian thẩm tra, xác minh”.

Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Tiếp dân và xử lý sau thanh tra (Thanh tra tỉnh) nói: “Người dân gửi đơn thư cũng quan niệm như đi viện, họ cứ nghĩ rằng tuyến trên sẽ tốt hơn tuyến dưới chứ không biết rằng, vụ việc nào thì thuộc thẩm quyền cấp nào giải quyết, nếu cứ gửi vượt cấp rồi các cơ quan chức năng cũng chuyển trả về đúng cấp có thẩm quyền giải quyết”.

Do đó, có rất nhiều đơn thư gửi đến Thanh tra tỉnh nhưng không đúng thẩm quyền, các đơn thư này đã được Thanh tra tỉnh hướng dẫn công dân gửi đơn đúng thẩm quyền hoặc chuyển đơn đến nơi đúng thẩm quyền để giải quyết. Như các trường hợp: Ngày 6/2/2013, Thanh tra tỉnh nhận được đơn của ông H.H.B (Thị trấn Anh Sơn) khiếu nại về việc bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù hết diện tích, căn cứ quy định của pháp luật, Thanh tra tỉnh nhận thấy đơn của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết nên đề nghị ông viết đơn gửi đến Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; Ngày 29/3/2013, Thanh tra tỉnh nhận được đơn của bà N.T.M.N (Đông Vĩnh, TP Vinh), không đồng ý với Quyết định của UBND TP Vinh về việc đính chính tên chủ sử dụng đất, bà cho rằng quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bản thân bà… Căn cứ nội dung đơn, Luật Khiếu nại năm 2011, Thanh tra tỉnh nhận thấy nội dung đơn của bà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh nên hướng dẫn bà gửi đơn đến Chủ tịch UBND TP Vinh để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật….

Có những vụ việc đã được các cơ quan chức năng ở Trung ương kiểm tra, rà soát và có văn bản chỉ đạo nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện như vụ ông N.G.T (Trường Thi, TP Vinh); ông T.M.Đ (Lê Lợi, TP Vinh), H.V.T (Trường Thi, TP Vinh)… những vụ việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền từ tỉnh đến Trung ương xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng các công dân vẫn không đồng tình, khiếu kiện dai dẳng năm này qua năm khác. Buộc Thanh tra tỉnh phải thông báo khi các cơ quan Trung ương và địa phương nhận được đơn của những người này thì tiến hành lưu đơn, không chuyển giao xem xét, giải quyết.

Khi các cơ quan chức năng xử lý đúng vụ việc theo pháp luật nhưng không đạt ý đồ của những người đi tố cáo, các công dân này lại quay ra tố cáo lại các cơ quan chức năng giải quyết là ức hiếp dân, và đòi lãnh đạo các cơ quan chức năng phải xin lỗi trước công luận và báo chí. Như trường hợp các ông T.M.Đ (phường Lê Lợi, TP Vinh), ông N.G.T ở phường Hồng Sơn (TP Vinh)…

Có nhiều đơn thư gửi đến Tòa soạn Báo Nghệ An, có địa chỉ khác nhau nhưng lại cùng một nét chữ, khi phóng viên đi xác minh thì người có tên trong đơn xác nhận là không phải do mình viết, như một số vụ khiếu kiện, khiếu nại ở xã Nghi Kim (TP Vinh) gần đây… Có những đơn, người dân khiếu nại, tố cáo chính quyền, nhưng khi phóng viên đi xác minh sự việc thì chính người đi viết đơn lại là người vi phạm! Như một số trường hợp về tranh chấp đất đai ở một số xã thuộc các huyện Nghi Lộc, TP Vinh, Hưng Nguyên… mà Báo Nghệ An đã phản ánh trong thời gian qua.

Thực tiễn cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thường xử lý nội dung tố cáo của công dân mà không chú trọng đến việc xử lý người khiếu nại, tố cáo có hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Thông thường kết luận những nội dung khiếu nại, tố cáo sai sự thật là không có cơ sở giải quyết, còn đối với hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì lại bỏ qua cho người khiếu nại, tố cáo. Điều này vô hình trung không có sức răn đe đối với người khiếu nại, tố cáo, và cũng là nguyên nhân làm cho tính chất đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp!

Trong 6 tháng đầu năm 2013, qua giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho thấy: số vụ việc khiếu nại đúng: 13/121 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 10,7%; số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai: 18/121 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 14,9%; số vụ việc khiếu nại sai: 90/121 vụ việc, chiếm tỷ lệ 74,4%. Số vụ việc tố cáo đúng 7/77 vụ việc, chiếm tỷ lệ 9,1%; số vụ việc tố cáo có đúng, có sai: 30/77 vụ việc, chiếm tỷ lệ 39%; số vụ việc tố cáo sai: 40/77 vụ việc, chiếm tỷ lệ 51,9%.


Đức Chuyên