Chưa chú trọng phát triển kinh tế vùng nông thôn

12/08/2013 18:20

(Baonghean) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020, đến nay, Nghệ An đã có 100% số xã đạt tiêu chí qui hoạch; 1 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành). Tuy nhiên, xuất phát điểm và tiến độ xây dựng NTM của tỉnh còn rất thấp, chậm. Đến tháng 7/2012, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 218/435 xã, chiếm 50,11%. Điều đáng nói là trong xây dựng NTM, ở nhiều địa phương còn nặng về việc chạy theo các tiêu chí cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới việc tìm giải pháp hữu hiệu cho mục tiêu quan trọng nhất là phát triển kinh tế nông thôn.

Xã Sơn Thành (Yên Thành) là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, nguồn lực để địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí là do từ nguồn ngoại tệ của khoảng 1.700 con em đi xuất khẩu lao động gửi về (trung bình 200 tỷ/năm), xã đã tích luỹ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2000 đến nay. Ngoài ra, Sơn Thành còn được sự hỗ trợ lớn của tỉnh, huyện: Hỗ trợ xi măng cho xã làm 8km đường GTNT cấp A; xem xét hỗ trợ trả nợ công trình Trường mầm non 2,6 tỷ; đồng ý về chủ trương đầu tư mở rộng đường 534 đoạn qua thị tứ xã Sơn Thành khoảng 2 km; xem xét hỗ trợ xây dựng phòng chức năng trường học, nâng cấp cơ sở vật chất Trạm y tế…

Ở Sơn Thành chưa có các mô hình phát triển kinh tế tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, để người nông dân có thu nhập cao, từng bước cải thiện đời sống vật chất. Nếu coi Sơn Thành là hình mẫu của xã NTM, thì các địa phương khác khó mà học hỏi được điều gì, bởi vì nguồn lực để kinh tế Sơn Thành phát triển không phải từ nông nghiệp. Ở xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh), cũng là địa phương đầu tiên cán đích NTM (19 tiêu chí) của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nguồn lực của Tùng Ảnh cũng không phải từ nông nghiệp, mà do địa phương này con em học hành thành đạt, người về hưu nhiều, xã được đầu tư nhiều dự án lớn nên cơ sở hạ tầng sớm hoàn thiện.

Nếu để đáp ứng các tiêu chí NTM về cơ sở hạ tầng thì không có gì khó, chỉ cần có tiền đầu tư là sẽ đạt. Nhiều tiêu chí không có tác dụng làm tăng thu nhập của người dân, hay góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Hiện nay, hầu như các địa phương đều tập trung vào các tiêu chí như giao thông nông thôn, vận động nhân dân hiến đất làm đường, chợ…Việc mở rộng đường thông hè thoáng, thậm chí làm đường bê tông ra tận bờ ruộng, chỉ góp phần tạo thuận lợi hơn cho người dân trong lao động sản xuất, chứ không có tác dụng góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương hầu hết vẫn còn bế tắc trong việc xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân bằng việc tăng năng suất nông sản, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Thậm chí có một nghịch lí là để xây dựng NTM, một số địa phương tăng thu các khoản đóng góp, làm cho đời sống một bộ phận người nông dân đã khó lại càng thêm khó. Nguồn lực xây dựng NTM còn bị phân tán, lãng phí (đi tham quan học hỏi mô hình quá nhiều). Người nông dân thu lãi từ cây lúa còn quá ít, thậm chí lỗ. Trong vụ hè thu năm nay, một số nơi bà con bỏ ruộng hoang, hoặc để lúa tái sinh, vì tính toán mọi chi phí, bà con sẽ bị lỗ. Có một thực tế là lao động khu vực nông thôn ngày càng bị già hoá, thanh niên học xong phổ thông tìm mọi cách để thoát li khỏi đồng ruộng. Con em học hành xong cũng không muốn trở về quê công tác. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp gặp không ít khó khăn.

Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư ngày 5/8/2012 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của BCH T.Ư Đảng nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy cao nội lực”.

Như vậy, theo đường lối của Đảng, xây dựng NTM phải chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy nội lực, nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân. Do đó, việc chạy theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, hạ tầng mà chưa chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là chưa đúng với bản chất, mục tiêu của chương trình NTM. Theo chúng tôi, tiêu chí 10 “Thu nhập” (từ sản xuất nông nghiệp) là tiêu chí cơ bản, quan trọng nhất, làm tiền đề, cơ sở để hoàn thành các tiêu chí khác. Còn nếu đã hoàn thành rất nhiều tiêu chí, nhưng tiêu chí “Thu nhập” bị bỏ rơi thì việc xây dựng NTM cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì không có thu nhập, người nông dân vẫn sẽ nghèo, sẽ khổ, mục tiêu “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn” theo Nghị quyết 26 không thể thực hiện được.

Một trong những yếu tố để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân là việc các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông thôn. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 61 năm 2010), tuy nhiên, do lợi nhuận thấp, nên các doanh nghiệp ít mặn mà. Trong năm 2012, nguồn vốn do các doanh nghiệp trên toàn tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng NTM chỉ có 8,5 tỷ đồng/1.716 tỷ đồng tổng vốn đầu tư xây dựng NTM.

Vì vậy, để xây dựng NTM hiệu quả, đúng mục tiêu, cần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thu hút các doanh nghiệp; tìm hướng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường; tiết kiệm nguồn lực đầu tư, lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư nhất là sản xuất nông nghiệp, trong đó cần tập trung cho các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.


Trần Quang Đại (CTV)