Đoàn kết không có nghĩa là đồng lõa, bênh vực cho những sai phạm

05/09/2013 16:50

(Baonghean) - Một số trang web trong và ngoài nước những ngày qua đăng tải thông tin “Nghệ An, giáo dân Mỹ Yên bao vây Uỷ ban xã Nghi Phương đòi thả người bị bắt trái pháp luật” hay “Nghệ An: giáo dân tập trung đòi giải quyết vụ bắt người trái phép” (Đài Á châu tự do www.rfa.org ngày 3/9). Những cáo buộc trên đối với chính quyền rõ ràng gây hoang mang dư luận trong và ngoài nước, thực hư vụ việc ra sao?

Trích dẫn bài “Công an Nghệ An bắt giữ người trái pháp luật” của RFA ngày 4/8 giải thích nguồn cơn vụ việc: “Hai giáo dân Công giáo thuộc Giáo họ Trại Gáo xứ Mỹ Yên bị bắt hồi ngày 27 tháng 6 vừa qua là ông Ngô Văn Khởi, 53 tuổi và ông Nguyễn Văn Hải 43 tuổi. Ông Ngô Văn Khởi từng là một thành viên trong Ban Hành Giáo của giáo xứ và ông Nguyễn Văn Hải hiện là một giáo lý viên của giáo xứ. Cả hai bị cơ quan chức năng bắt khi họ đang trên đường đi công việc của bản thân, và mãi đến hơn một tuần lễ sau đó gia đình mới nhận được thông báo đề ngày 28 tháng 6 của cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng”. 1 trang web trong nước đăng tải các nội dung về Công giáo nhận định việc bắt giữ 2 giáo dân trên là “bắt cóc theo hình thức khủng bố”, “bí mật bắt không có lý do và không thông báo cho người thân”. Xét thấy, các kênh thông tin trên đều nhằm vào cụm từ “bắt người trái phép”, vậy như thế nào là bắt người hợp pháp?



Hình ảnh đăng tải trên trang web cho thấy các cán bộ của chính quyền ngồi dồn vào 1 góc phòng, thậm chí 2 người ngồi trên 1 chiếc ghế.

Về vụ việc này, cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ, thấu suốt sự việc. Trước đó ngày 22/5/2013, những đối tượng này đã cùng một số người cực đoan hô hoán, kích động đám đông bao vây, đánh đập người gây thương tích một cách vô cớ và đập phá gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng tại nhà anh Đậu Văn Sơn ở xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc). Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự với 4 tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “Hủy hoại tài sản ” và “Cố ý gây thương tích ”.

Khi bắt giữ các bị can, cơ quan chức năng đã tiến hành đúng theo quy định của Điều 80, Luật Tố tụng hình sự về “bắt bị can, bị cáo để tạm giam ”, như “ có lệnh bắt bị can của thủ trưởng cơ quan điều tra ”, “khi tiến hành bắt người tại nơi khác có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”... Như vậy, việc bắt 2 giáo dân có hành vi vi phạm pháp luật như trên không thể gọi là “bắt người trái phép”. Đồng thời, việc người dân tập trung ở Uỷ ban nhân dân xã Nghi Phương yêu cầu thả người là vô lý vì 2 lẽ: thứ 1, Uỷ ban nhân dân xã không có quyền hạn bắt người, giam giữ người hay thả người; thứ 2, nếu không đồng tình, người dân có thể gửi khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, tức cơ quan Tư pháp.

Việc tập trung bao vây Uỷ ban nhân dân xã là hành vi gây rối trật tự công cộng. Vả chăng, nếu nghĩ gây áp lực lên chính quyền là có thể bắt người, thả người thì có phải luật pháp đã bị xem nhẹ và các hành vi vi phạm pháp luật có thể được “xí xoá” mà không cần thông qua các trình tự, thủ tục, cơ quan được pháp luật quy định?

Lại nói đến việc “bắt người trái phép”, 1 trang web cho hay “Người dân vẫn đang rất ôn hòa, đang ngồi cùng 5 cán bộ của xã và huyện Nghi Lộc tại phòng Chủ tịch xã Nghi Phương” và “Bà con đang yêu cầu 5 cán bộ (2 cán bộ xã Nghi Phương và 3 cán bộ huyện Nghi Lộc) trả lời về việc bắt giữ trái pháp luật hai người thân của họ”. Chính hình ảnh đăng tải trên trang web cho thấy các cán bộ của chính quyền ngồi dồn vào 1 góc phòng, thậm chí 2 người ngồi trên 1 chiếc ghế, còn vây xung quanh là một nhóm người với vẻ mặt, điệu bộ hả hê.

Không hiểu cuộc trao đổi, làm việc được cho là ôn hoà này diễn ra như thế nào khi mà 2 bên thậm chí không “mặt đối mặt” trên bàn làm việc? Không dám quy chụp, vu cáo nhưng rõ ràng những hình ảnh được ghi lại trên bức ảnh mâu thuẫn với tuyên bố “đang rất ôn hoà ngồi cùng 5 cán bộ...”. Thậm chí, có dấu hiệu của việc giam giữ người trái pháp luật, tức 1 hành vi phạm tội theo Điều 123, Bộ luật Hình sự. Hành vi này có khả năng đồng thời vi phạm nhiều điều luật: thứ 1, người dân không có thẩm quyền bắt, giữ, giam người; thứ 2, người bị giam giữ ở đây là người thi hành công vụ; thứ 3, bắt giữ nhiều người cùng 1 lúc.

Về mặt hậu quả, hành vi này gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và đến cán bộ bảo vệ Pháp luật. Chiếu theo Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009): “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, nếu xét thêm các vi phạm kể trên và hậu quả gây ra, hình phạt có thể lên đến tối đa 10 năm tù.

Kết lại, thông tin “Công an Nghệ An bắt giữ người trái pháp luật” là vô căn cứ. Thậm chí, đang cố tình đổi trắng, thay đen, khi mà chính một số giáo dân quá khích và bị kích động ở giáo xứ Mỹ Yên đang yêu cầu “trả lại công bằng” cho thân nhân của họ lại là người có dấu hiệu vi phạm pháp luật (các bức ảnh ghi lại cảnh tụ tập, la ó, gây mất trật tự tại trụ sở UBND xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc) của chính các trang Web đưa lên). Bình luận của trang RFA “Sức mạnh đoàn kết trong giáo xóm, giáo họ và giáo xứ có thể giúp họ thực hiện biện pháp cầm chân, bắt giữ cán bộ” liệu có đang tung hô, cổ xuý cho 1 hành vi vi phạm pháp luật? Đoàn kết không có nghĩa là đồng loã, che đậy, bênh vực cho những sai phạm 1 cách mù quáng. Cần phải khẳng định rằng: Bên cạnh niềm tin vào Tôn giáo, niềm tin vào pháp luật cũng là bổn phận phải có của 1 công dân.


Hải Triều