99% người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại chợ

20/09/2013 16:47

Theo kết quả khảo sát ban đầu của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) về “nhận thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng đối với nông sản thực phẩm an toàn”, 99% người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm ở chợ truyền thống, với lý do gần nhà, tiết kiệm thời gian và giá cả phải chăng.



Đa số người tiêu dùng có thói quen mua thực phẩm ở chợ.

Số liệu trên được nêu tại hội thảo “Tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm theo VietGAP/GMPs”, do Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), FAPQDC phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức, ngày 19-9, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cũng theo nguồn thông tin trên, xu hướng mua hàng tại các siêu thị cũng trở nên phổ biến (68%), chủ yếu ở khu vực TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; khoảng 10% người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại các Metro và các cửa hàng thuận tiện. Tuy nhiên, khi mua sản phẩm an toàn, người tiêu dùng tin tưởng mua ở siêu thị hơn ở chợ truyền thống và đánh giá an toàn thực phẩm tại Việt Nam trên mức trung bình.

Theo khảo sát, ý định mua thực phẩm an toàn của người tiêu dùng có số điểm rất cao, nếu sản phẩm được xác nhận bởi logo VietGAP và thương hiệu của siêu thị. Khách hàng chấp nhận mua sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ với giá cao hơn 10-15% so với mức giá bình quân trên thị trường.

Dự án FAPQDC do cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, với mục tiêu cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm và khả năng tiếp cận thị trường của nông sản thực phẩm tại Việt Nam.

Qua sáu năm triển khai, có 20 mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (rau, quả, thịt lợn, thịt gà) tại tám tỉnh, thành phố được xây dựng, vận hành, kiểm chứng và đang được nhân rộng.


Theo NDĐT-ĐP