Cây thanh long trên đồi Nam Xuân

30/08/2013 16:00

(Baonghean) - Ngoài những cây trồng truyền thống đã khẳng định thương hiệu từ nhiều năm nay như hồng, cam, quýt, nhãn, vải…, gần đây, nhiều gia đình ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) mạnh dạn đưa các giống cây mới vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng thanh long của gia đình ông Nguyễn Hữu Tam ở (xóm 9) là một trong những điển hình.

Trước đây, trên diện tích gần 3 sào đất vườn đồi, ông Nguyễn Hữu Tam chỉ trồng cây tiêu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập bấp bênh. Sau nhiều trăn trở, tìm cây gì để thay thế, vừa hợp với chất đất, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2007, ông mạnh dạn đưa vào trồng thử 20 gốc thanh long. Vừa làm, vừa học hỏi rút kinh nghiệm, sau một thời gian, nhận thấy cây thanh long thích hợp với vùng đất đồi nơi đây, ông mở rộng trồng trên 100 gốc. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn thanh long của ông mùa nào cũng trĩu quả, bán được giá. Ông Tam khoe: “Thời gian đầu đưa cây thanh long vào trồng, cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, nhưng vừa trồng vừa học hỏi, mày mò tìm trên sách báo như: làm cách nào để quả sai, to, ngọt, lúc nào nên tỉa cành…để hiệu quả cao”.



Ông Tam bên vườn thanh long trĩu quả.

Theo ông Tam, thanh long là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, không tốn công chăm bón, thích nghi với vùng đất đồi ba zan, chỉ sau 1 năm là cho thu hoạch, mỗi vụ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Quả thanh long có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ dễ dàng, giá cả ổn định. Đặc biệt, loại cây này không cần xử lý hoá chất hay phun thuốc kích thích, chỉ cần đảm bảo cho đất luôn tơi xốp và bón phân đúng định kỳ, tỉa bớt cành hàng năm thì cây sẽ phát triển tốt.

Với giá thu mua tại vườn từ 18 - 20 ngàn đồng/kg, vụ này ông Tam có nguồn thu trên 10 triệu đồng. Đánh giá hiệu quả từ mô hình này, bà Nguyễn Thị Quyết – Xóm trưởng xóm 9, xã Nam Xuân (Nam Đàn) cho biết: “Trồng thanh long là mô hình mới trên đồng đất Nam Xuân, ông Tam là người đã mạnh dạn đưa vào trồng đầu tiên với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, nhiều hộ trong xóm, xã sẽ học tập làm theo”.

Tuy chưa phải là mô hình lớn, nhưng thành công bước đầu từ việc trồng cây thanh long của gia đình ông Nguyễn Hữu Tam, đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Góp phần làm phong phú thêm chủng loại cây ăn quả, vốn đã nổi tiếng về sự đa dạng ở dọc triền núi Đại Huệ (Nam Đàn), đưa kinh tế nông thôn của xã bán sơn địa này phát triển theo hướng đa dạng và bền vững.


Hồng Sương